Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Về CVĐXH: Dự kiến tổ chức phiên giải trình về thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công

08/10/2016

Chiều 08/10, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã bế mạc phiên họp toàn thể lần thứ 2.

Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội

Phiên họp toàn thể lần thứ hai của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra từ ngày 7-8/10 với nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương, sôi nổi, trách nhiệm và hiệu quả, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã xem xét, thảo luận báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 thuộc lĩnh vực Bộ Lao động – thương binh và xã hội và Bộ Y tế quản lý; tình hình thực hiện các Dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu do Bộ Lao động- Thương binh và xã hội và Bộ Y tế quản lý hoặc thực hiện và dự kiến giai đoạn 2016 – 2020. Xem xét và thảo luận báo cáo của Chính phủ về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII về giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng tiến hành cho ý kiến về dự thảo Báo cáo hoạt động của Ủy ban từ kỳ họp thứ nhất đến Kỳ họp thứ hai và dự kiến chương trình hoạt động năm 2017; thảo luận và thông qua dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban và một số nội dung khác.

Giải trình về thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng

Thông tin về kết quả giám sát của các đoàn giám sát của Ủy ban về thực hiện chính sách hỗ trợ nhà cho người có công, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Hoàng Mai cho biết việc thực hiện chính sách này đang chậm so với quy định. Một phần nguyên nhân của chậm triển khai chính sách là do phát sinh số lượng lớn các hộ cần hỗ trợ về nhà ở.

Trước đó, căn cứ nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2012 của UBTVQH về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng; theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ngày 26/4/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Theo đó, các đối tượng được thụ hưởng bao gồm hầu hết người có công theo quy định, trong đó có cả đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; người có công giúp đỡ cách mạng...

Quyết định của Thủ tướng nêu rõ, trong năm 2013: “Phải thực hiện cơ bản xong việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng theo đúng quy định của quyết định này đối với khoảng 71.000 hộ (theo danh sách các địa phương đã báo cáo đoàn giám sát của UBTVQH năm 2012). Trong năm 2014, các địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này đối với các hộ thuộc diện được hỗ trợ nhưng các địa phương mới rà soát, thống kê, báo cáo năm 2013”.

Như vậy theo theo danh sách các địa phương đã báo cáo đoàn giám sát của UBTVQH năm 2012 thì số hộ cần hỗ trợ về nhà ở là khoảng 71.000 hộ nhưng sau khi triển khai theo hướng dẫn của Chính phủ thì số lượng hiện nay lên đến khoảng 360.000 hộ. Sự chênh lệch quá lớn đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách.

Nhằm đánh giá cụ thể, chi tiết kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, những bất cập hạn chế trong quá trình triển khai, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan, trong đó có vấn đề kinh phí triển khai chính sách, qua đó đưa ra những kiến nghị giải pháp nhằm thực hiện chính sách có hiệu quả, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội dự kiến sẽ tổ chức phiên giải trình về vấn đề này vào ngày 19/10.

Thông qua Dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban Về các vấn đề xã hội

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội đã biểu quyết thông qua Quy chế hoạt động của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV trên cơ sở sau khi xem xét, thảo luận, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Quy chế theo ý kiến của các thành viên Ủy ban với 100% thành viên tham gia biểu quyết tán thành.

Với 5 chương và 34 Điều, Quy chế điều chỉnh toàn diện cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, quan hệ công tác và trình tự giải quyết công việc của Ủy ban. Quy chề được ban hành sẽ góp phần thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội.

Bên cạnh các quy định về tổ chức hoạt động của Ủy ban trong Luật tổ chức Quốc hội, còn nhiều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nằm trong các luật chuyên ngành như Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật bảo hiểm xã hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc ban hành Quy chế sẽ tạo cơ sở pháp lý cụ thể hóa các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động phù hợp với đặc thù của Ủy ban; đồng thời tiếp tục kế thừa, phát huy kinh nghiệm hoạt động của Ủy ban các nhiệm kỳ trước.

Bảo Yến