CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ- XÃ HỘI, DỰ TOÁN NSNN THUỘC LĨNH VỰC QUẢN LÝ CỦA BỘ LĐ,TB&XH

02/10/2019

Chiều 02/10, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 15, Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho ý kiến về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2019 và giai đoạn 2020-2022 thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ LĐ, TB&XH. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

 Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ, TB&XH) Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2019, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, toàn ngành đã nghiêm túc, kiên trì thực hiện các mục tiêu đề ra trên tất cả các lĩnh vực được giao, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Theo đó, đã hoàn thành 03 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội được giao: tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 1-1,5%. Anh sinh xã hội được đảm bảo; làm tốt công tác chính sách đối với người có công; công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường; đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Về tình hình dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, đại diện Bộ LĐ, TB&XH cho biết, đã hoàn thành phân bổ cho các đơn vị sử dụng ngân sách trong tháng 12/2018 theo đúng tổng mức, cơ cấu, nội dung, biểu mẫu và thực hiện công khai phân bổ theo quy định; đảm bảo các chỉ tiêu thu nộp ngân sách.

Về kế hoạch tài chính- ngân sách trong giai đoạn 2020-2022, đại diện Bộ nêu rõ, Bộ đã xây dựng kế hoạch tài chính, theo đó, đảm bảo bám sát kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của cả nước. Trên cơ sở đó Bộ đề xuất nhu cầu đầu tư trong kế hoạch đầu tư 03 năm gồm các nguồn vốn: vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư và vốn viện trợ ra nước ngoài. Các ngành, lĩnh vực đầu tư bao gồm xã hội, y tế, dân số và gia đình, giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, khoa học công nghệ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại phiên họp

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề Xã hội tán thành với một số kết quả đã đật được của ngành trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần phải quan tâm. Theo đó, vấn đề giáo dục nghề nghiệp còn chậm đổi mới, chưa gắn với nhu cầu xã hội; chất lượng bền vững của việc làm chưa cao; năng suất lao động thấp; quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội còn bất cập; đời sống của một số đối tượng chính sách còn khó khăn; công tác quản lý cai nghiện ma túy còn nhiều tồn tại; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu…Do đó, Ủy ban đề nghị đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng lao động; chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tiễn; đẩy mạnh việc giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính Đồng thời đề nghị Bộ đảm bảo các khoản chi đối với nhiệm vụ được giao, cân đối ngân sách theo tổng vốn đã được cấp.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng đánh giá Bộ LĐ, TB&XH đã có nhiều nỗ lực để ngành đạt được các chỉ tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, nhiều số liệu về thực hiện chính sách đối với người có công vẫn chưa được cập nhật, nên có sự so sánh với cùng kỳ năm trước hoặc so sánh với kế hoạch đề ra để đại biểu nắm được mức độ hoàn thành đến đâu. Ngoài ra, về phương hướng nhiệm vụ năm 2020, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo để huy động nguồn lực, giải quyết vấn đề nhà ở cho người có công.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương phát biểu

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương và Nguyễn Thanh Hiền đều cho rằng vấn đề giải quyết việc làm và thất nghiệp, chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa được giải quyết hiệu quả, đề nghị Bộ LĐ, TB&XH cần phải có giải pháp để khắc phục tình trạng này. Vì trong thực tế nhiều hộ gia đình vay tiền ngân hàng chính sách cho con em đi học nhưng học ra trường lại thất nghiệp. Đồng thời đề nghị Bộ cần nghiên cứu giải pháp để tăng năng suất lao động, chuyển biến thu nhập cho người lao động.

Ngoài ra, một số đại biểu đánh giá, vấn đề nợ bảo hiểm xã hội và một số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cần được quan tâm để có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết nhanh các trường hợp người lao động chưa được giải quyết tiền bảo hiểm khi doanh nghiệp bị phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Ủy ban tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên về những tồn tại, hạn chế, đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp khắc phục; Ủy ban sẽ phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế để phối hợp thẩm tra, hoàn thiện báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

+ Cũng trong buổi chiều, Ủy ban về các vấn đề Xã hội thông qua báo cáo về tình hình chuẩn bị các dự án luật năm 2020, dự kiến đề xuất Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; Thông qua báo cáo thẩm tra việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức