ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI TỔ CHỨC PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 10

08/08/2018

Để chuẩn bị thẩm tra báo cáo của Chính phủ, sáng 08/08 Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ mười nghe Bộ Lao động Thương binh và Xã hội báo cáo việc thực hiện pháp luật và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2017. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt chủ trì phiên họp

Tham dự phiên họp có đại diện Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ cùng các chuyên gia.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà báo cáo

Báo cáo việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết năm 2017, các bộ, ngành đã nỗ lực phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tham vấn, thực hiện đánh giá tác động của chính sách từ góc độ giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng, đề xuất và ban hành văn bản. Một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành và thực hiện tốt công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới như: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật trợ giúp pháp lý; Nghị định số 91/2017 của Chính phủ quy đinh chi tiết một số điều của Luật thi đua, khen thưởng trong đó quy định ưu tiên nữ trong quá trình thi đua, khen thưởng tạo điều kiện khích lệ hơn cho lao động nữ…

Công tác bình đẳng giới đã đạt nhiều tiến bộ. Đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2017 Việt Nam đứng thứ 69/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới, thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình; tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội cao hơn so với mức 19% của châu Á và 21% trung bình toàn cầu; tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp cao nhất Đông Nam Á xếp hàng thứ 19 trong bảng xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7 trong các nước có tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp cao nhất; thuộc nhóm 10 nước triển khai tốt nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về Mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế xã hội tại các bộ, ngành, địa phương còn ở mức độ hạn chế, thực hiện còn mang tính hình thức, thủ tục và chưa đi vào thực chất…

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, nhiều vấn đề nảy sinh có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong đời sống, việc làm, an sinh xã hội, nhất là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục chậm phát hiện và chưa được giải quyết kịp thời gây bức xức trong xã hội. Các thiết chế hỗ trợ chưa phát huy hiệu quả. Một số chỉ tiêu chưa sát với thực tiễn, phân tổ một số chỉ tiêu chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống chỉ tiêu thống kê của các bộ, ngành, nên không đủ căn cứ đánh giá kết quả. Đội ngũ cán bộ làm tham mưu công tác bình đẳng giới còn mỏng, chưa ổn định, nhất là tại các địa phương, nên hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự hiệu quả. Chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương còn thấp hơn so với lao động nam…

Các đại biểu cũng cho rằng, cần đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền nhất là phát huy vài trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân và phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

Góp ý vào bản báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, các đại biểu cho rằng, báo cáo còn chung chung, thiếu những số liệu, thống kê cụ thể, nhất là số liệu thống kê mục tiêu “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”, “việc bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”. Tình trạng lao động nữ trong các khu vực phi chính thức hiện nay, lao động làm việc trong các khu công nghiệp nhất là các doanh nghiệp FDI, lao đông nữ đi xuất khẩu ra sao, như thế nào cũng chưa được làm rõ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt kết luận

Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt cho rằng, báo cáo của Chính phủ phải đánh giá được đầy đủ, toàn diện hơn. Số liệu phải cụ thể, chính xác và cập nhật mới nhất liên quan đến mục tiêu quốc gia về bình đẳng gới. Bên cạnh những mặt làm được, báo cáo cũng nên công khai những tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân của tồn tại để có những kế hoạch, hành động cụ thể cho những năm tiếp theo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường phối hợp với các Bộ ban ngành liên quan tập hợp số liệu, thống kê để sớm hoàn thiện báo cáo của Chính phủ để Ủy ban các vấn đề xã hội thẩm tra trong thời gian tới. /.

 

Lê Phương