THẨM TRA BÁO CÁO VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

04/10/2019

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể thứ 15, chiều ngày 04/10, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban về các vấn đề Xã hội tiến hành thẩm tra Báo cáo về việc thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ngay sau khi nhận được chất vấn của các Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiêm túc nghiên cứu các nội dung chất vấn, khẩn trương trả lời, đảm bảo tiến độ, qua đó cung cấp thêm thông tin và góp phần làm rõ những nội dung mà đại biểu Quốc hội, cử tri còn băn khoăn. Các nội dung trả lời của Bộ bảo đảm tính khả thi theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và đúng với chức năng, nhiệm vụ của Bộ. Nhìn chung các chất vấn của Đại biểu Quốc hội là những vấn đề mà dư luận và xã hội quan tâm, liên quan đến quyền, lợi ích của người dân. Do đó, khi các chất vấn, kỉến nghị được giải quyết, cảc chính sách được ban hành đã phát huy tác dụng, đi vào đời sống của người dân. Mặt khác, các nội dung chất vân, kiển nghị cũng góp phần giúp Bộ nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tổ chức thưc hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước cùa Bộ, ngành.

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 607/ TB- TTKQH của Tống Thư ký Quốc hội về Kết luận cùa Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã khẩn trương cụ thể hóa thành các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện gắn với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực lao động, người có công.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo

Về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn đối với thực hiện các chính sách đãi ngộ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực, đổi mới trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành triển khai đồng bộ. Hàng năm, ngân sách nhà nước đã dành hơn 32 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chế độ ưu đãi cho 9,2 triệu người có công với cách mạng.

Trong lĩnh vực lao động và việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã triển khai các hoạt động để phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng và phổ biến các sản phẩm phân tích, dự báo thị trường lao động; thiết lập và giao đầu mối cho 2 đơn vị của Bộ tổ chức thực hiện phân tích, dự báo; tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm thông qua việc vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm; tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm giúp người lao động thất nghiệp sớm tìm kiếm được việc làm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, về lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội cũng còn một số tồn tại nhất định, cụ thể về chuyển đổi, quản lý cơ sở cai nghiện một số tỉnh/thành phố còn có hiện tượng quá tải ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc; quy định của pháp lệnh hiện ngành còn chậm được sửa đổi, bổ sung; chưa có chế tài xử lý, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định xử lý đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Cho ý kiến về vấn đề này, Ủy ban về các vấn đề Xã hội đánh giá Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã nghiêm túc, cầu thị trong việc trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, trong vấn đề dạy nghề, việc sắp xếp bộ máy, cơ sở dạy nghề còn nhiều vấn đề tồn tại trong việc nhập - tách, hình thức đào tạo. Do đó, cần phải có sự tổng kết để đưa ra giải pháp xử lý. Ngoài ra, cũng cần quan tâm về chế độ cho người lao động làm tại doanh nghiệp bị phá sản, bỏ trốn.

Các thành viên Ủy ban cho ý kiến

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng cần đánh giá đúng vấn đề chính sách bảo hiểm thất nghiệp để từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể. Đề nghị xác định rõ trách nhiệm của các bên trong việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp sai và thu hồi việc chi sai này. Đồng thời, Bộ cần chỉ đạo các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm việc làm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ngăn chặn trục lợi bảo hiểm thất nghiệp.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng của thành viên Ủy ban và đại biểu tham dự. Trên cơ sở phiên họp, Ủy ban về các vấn đề Xã hội sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Hồ Hương- Nghĩa Đức

Các bài viết khác