Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, để tôn vinh và tri ân, đãi ngộ đối với người có công với cách mạng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh đầu tiên được thông qua năm 1994, đến nay đã qua 6 lần sửa đổi. Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng là văn bản quan trọng, thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý để tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất tinh thần người có công với cách mạng.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, 100% gia đình có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình với cộng đồng dân cư nơi cư trú mà Chỉ thị số 14 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác người có công với cách mạng và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Theo đó, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) vào phiên họp thứ 40 diễn ra tháng 12/2019. Việc sửa đổi lần này nhằm tháo gỡ những khó khăn, tồn đọng trong việc thực thi chính sách hiện hành, điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, hồ sơ người có công với cách mạng, danh sách bổ sung một số trường hợp người có công với cách mạng chưa được hưởng chính sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị các đại biểu tham dự phiên họp tập trung thảo luận, cho ý kiến góp ý về tính hợp pháp của hồ sơ Dự án Pháp lệnh; sự phù hợp với chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp; mối quan hệ của Pháp lệnh với Luật Thi đua khen thưởng; cho ý kiến về phạm vi sửa đổi; việc bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ ba của người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc da cam điôxin….
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Quang cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Về các vấn đề Xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc phiên họp.
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng trình bày Tờ trình dự án Pháp lệnh Người có công với cách mạng (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại phiên họp.
Thảo luận tại phiên họp, đa số thành viên Ủy ban cho rằng quá trình xây dựng Pháp lệnh cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp. Hồ sơ quy trình thủ tục được cơ quan soạn thảo thực hiện nghiêm các bước. Tuy nhiên, một số nội dung chưa thống nhất với nội dung Báo cáo tác động; đề nghị cung cấp thông tin cụ thể về người có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp hàng tháng; dự báo số người được bổ sung và dự báo kinh phí khi bổ sung người được hưởng chính sách người có công với cách mạng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại phiên họp.
Một số đại biểu cho ý kiến về các nội dung cụ thể của Dự thảo Pháp lệnh, như bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học; Bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá; Công nhận liệt sĩ, bệnh binh thời kỳ đất nước hòa bình; Bổ sung, nâng mức trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng chính sách người có công với cách mạng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.
Đa số ý kiến phát biểu tại phiên họp đồng tình và cho rằng, trong điều kiện kinh tế xã hội phát triển việc quy định bổ sung, nâng mức trợ cấp ưu đãi, hỗ trợ phù hợp từng đối tượng chính sách có công với cách mạng là cần thiết, nhằm đảm bảo mức sống của người có công với cách mạng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại phiên họp.
Đối với quy định bổ sung chế độ đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá, đa số ý kiến đồng tình với đề xuất của ban soạn thảo, nhằm ghi nhận tình cảm, trách nhiệm của người vợ/chồng tuy đã có chồng (vợ) khác nhưng vẫn làm tốt việc chăm sóc gia đình liệt sĩ, nuôi con liệt sĩ. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, nếu chỉ bổ sung chế độ bảo hiểm y tế là chưa phù hợp, cần bổ sung cả chế độ trợ cấp mai táng phí cho đối tượng này.
Trung tướng Nguyễn Thế Lực – Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin Việt Nam phát biểu tại phiên họp.
Đại diện Bộ Quốc phòng phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cảm ơn ý kiến của các đại biểu và khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận nội dung phiên họp.