HÌNH ẢNH PHIÊN HỌP TOÀN THỂ LẦN THỨ 18 CỦA UỶ BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

30/09/2020

Ngày 30/9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 18. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh điều hành Phiên họp.

 

Tại Phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao công tác thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề xuất cần triển khai công tác này một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh sự trùng lắp, chồng lấn với các chương trình khác.

Một số đại biểu cho rằng, ngoài công tác đảm bảo giảm nghèo, hướng tới xóa nghèo bằng cách cấp tiền, cơ sở vật chất, các địa phương cũng cần chú trọng tới những công việc khác như để người dân có thể tiếp cận với những thủ tục giảm nghèo, thoát nghèo một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, cũng cần quan tâm đến việc vì sao hộ nghèo giảm tốt nhưng hộ cận nghèo lại giảm chậm.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên họp: 

Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 18 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội sáng 30/9.

Báo cáo kết quả 06 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu rõ: Quốc hội, Chính phủ đã rất quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội được Chính phủ giao ổn định để các địa phương chủ động thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, công tác giảm nghèo trong thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế. Đó là Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 76 đặt ra.

Góp ý về thực hiện Nghị quyết số 76/2014 /QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nêu quan điểm: Công tác giảm nghèo trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định, tạo đà cho ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các Bộ ngành, địa phương cần quan tâm tới việc thống nhất phân cấp, phối phợp thực hiện các mục tiêu giảm nghèo một cách khách quan. Việc phân bổ nguồn lực phải rõ ràng, đến đúng đối tượng được thụ hướng để tránh có địa phương dồn nguồn lực, có nơi không tìm ra và lãng phí ngân sách của Nhà nước.

Đóng góp vào nguồn lực giảm nghèo, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ cho rằng: Để có thêm kinh phí cho công tác giảm nghèo thì ngoài ngân sách Nhà nước cần huy động thêm sự đóng góp của xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Việc xác định tiêu chí hộ nghèo, cận nghèo cần được tính toán kỹ lưỡng, tránh sự chồng chéo giữa hộ nghèo ở miền núi và nông thôn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội, nêu quan điểm: Các Bộ ngành, địa phương khi thực hiện công tác giảm nghèo thì không nên có sự chồng lấn giữa các mục tiêu quốc gia về giảm nghèo mà cần có sự phối hợp, chắt lọc thật tốt. Chương trình nào đã thực hiện hiệu quả thì tiếp tục thực hiện, chương trình nào chưa tốt thì phải xem xét vì sao để có hướng khắc phục kịp thời để sao cho người dân tích cực tham gia vào công tác giảm nghèo, chứ không chỉ là chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, địa phương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu ý kiến: Khi các Bộ ngành, địa phương đưa ra những chỉ tiêu bình đẳng giới thì phải lượng hóa được cái nào thực hiện được và không cũng như cần ưu tiên những mục tiêu có thể thực hiện được.

Nhiều ý kiến tại phiên họp đánh giá cao công tác thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề xuất cần triển khai công tác này một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh sự trùng lắp, chồng lấn với các chương trình khác. Một số đại biểu cho rằng, ngoài công tác đảm bảo giảm nghèo, hướng tới xóa nghèo bằng cách cấp tiền, cơ sở vật chất, các địa phương cũng cần chú trọng tới những công việc khác như để người dân có thể tiếp cận với những thủ tục giảm nghèo, thoát nghèo một cách hiệu quả nhất. Mặt khác, cũng cần quan tâm đến việc vì sao hộ nghèo giảm tốt nhưng hộ cận nghèo lại giảm chậm.

Phát biểu kết luận tại Phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ủy viên, đại biểu và cho rằng, đây là những ý kiến sát thực, tâm huyết để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bình đẳng giới hiệu quả hơn, đạt được tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế đề ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cũng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị hữu quan tiếp thu các ý kiến đóng góp để chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật lại các báo cáo trước khi Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xem xét trong các phiên họp khác./.

Minh Hùng

Các bài viết khác