Phiên họp lần thứ 16 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thẩm tra dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/8/1994. Từ đó đến nay, Pháp lệnh này đã có 06 lần sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 40, dự kiến diễn ra vào tháng 12/2019. Dự thảo gồm 6 chương và 57 điều, so với pháp lệnh hiện hành đã sửa đổi tăng 9 điều, bổ sung 2 chương và bỏ 1 chương.
Tờ trình dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) nêu rõ, việc bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học có ưu điểm là cụ thể hóa được tinh thần của Chỉ thị số 14/CT/TW nàỵ19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và đề xuất của Hội Nạn nhân chất độc hóa học. Song quá trình lấy ý kiến rất khác nhau, chưa nhận được sự đồng thuận cao của các cơ quan chuyên môn về cơ sở khoa học và thực tiễn trong việc xác định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ 3 cùa người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Về thực tiễn, việc xác định thế hệ thứ 3 nhiễm chất độc hóa học cũng không rõ ràng, khi triển khai sẽ gặp khó khăn, dễ bị lợi dụng chính sách. Mặt khác tạo ra sự không bình đẳng, có sự so bì và không tương xứng chế độ ưu đãi giữa thân nhân của người có công với cách mạng. Vì vậy, đây là vấn đề lớn, Chính phủ xin báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai
Tại phiên thẩm tra dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, trong quá trình lấy ý kiến tại các địa phương thì tuyệt đại đa số số các ý kiến phát biểu đều chưa thống nhất một việc bổ sung thế hệ thứ 3 vào dự án Pháp lệnh. Bởi hiện nay chưa có cơ sở pháp lý cũng như khoa học để chứng minh thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học từ thế hệ thứ nhất. Ngoài ra, thế hệ thứ 3 bị khuyết tật thì cũng có nhiều lý do trong đó có cả nguyên nhân do môi trường, yếu tố gia đình và dòng giống. Hiện nay, chỉ có Hội Nạn nhân chất độc da cam của các địa phương đề xuất bổ sung chế độ cho thế hệ thứ 3 và Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cũng có có văn bản đề nghị bổ sung chế độ cho thế hệ thứ 3 vào Pháp lệnh để thực hiện. Do đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau nên Chính phủ phải làm rõ các căn cứ, cơ sở để có thể bổ sung thế hệ thứ ba vào trong pháp lệnh hay không; Đồng thời cũng cần tính toán cân đối đảm bảo sự cân bằng giữa các nhóm đối tượng được hưởng trong dự án Pháp lệnh, bởi hiện nay chúng ta mới chỉ thực hiện chế độ ưu đãi đối với thế hệ thứ 2 của người có công với cách mạng.
Đại biểu Đặng Thuần Phong đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ, cơ sở khoa học khi bổ sung thế hệ thứ 3 nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ chính sách ưu đãi.
Đại biểu Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, khi xây dựng, sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì cần tuân thủ nguyên tắc đó là những người có công trực tiếp phải được ưu tiên hưởng chính sách và số người ăn theo thì phải giảm dần. Nếu căn cứ theo nguyên tắc trên thì việc bổ sung thế hệ thứ 3 nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ chính sách ưu đãi thì việc đánh giá tác động hiện nay vẫn chưa rõ. Việc chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì cũng cần phải có cơ sở và căn cứ; dự kiến được số lượng đối tượng được hưởng và ngân sách chi cho cho đối tượng này là như thế nào. Hơn nữa, hiện nay theo Thông tư số 15 của Bộ Y tế, đối với các loại bệnh do chất độc hóa học da cam cam gây ra vẫn chưa có sự rạch ròi, còn tình trạng nhầm lẫn giữa các bệnh khác với bệnh do nhiễm chất độc da cam.
Trăn trở về cuộc sống khó khăn của người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, đại biểu Nguyễn Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học nhằm bù đắp phần nào cho những người đã đi qua chiến tranh. Đại biểu cho rằng, nếu yêu cầu cần có cơ sở khoa học, tính pháp lý thì trách nhiệm của nhà khoa học, của cơ quan chức năng. Mặc dù, đồng tình với quan điểm bổ sung thế hệ thứ 3 vào dự thảo Pháp lệnh, nhưng đại biểu Nguyễn Sơn cũng đề nghị cần làm chặt chẽ, rà soát từng điều kiện, từng hồ sơ, nếu cần thiết thì ngành y tế phải vào cuộc để thẩm định, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi. Để thực hiện được chính sách này cũng cần tiến hành lấy ý kiến nhân dân nơi người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học cư trú.
Góp ý với tư cách là nhà khoa học, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, khẳng định cần thiết bổ sung đối tượng này vào trong dự thảo Pháp lệnh. Bởi nhiễm chất độc da cam là nằm trong gen, lúc ẩn lúc hiện cho nên không dùng cụm từ “thế hệ thứ 3”, vì có thể đến thế hệ thứ 5, thứ 7 mới xuất hiện. Trong tờ trình dự án Pháp lệnh, Chính phủ có giao Bộ Y tế ban hành danh mục các loại bệnh tật và đánh giá tác động các bệnh do nhiễm chất độc hóa học gây ra, nhưng đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng phần đánh giá tác động này còn sơ sài, chưa đầy đủ.
Trung tướng Nguyễn Thế Lực - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam
Tại phiên họp, đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Thế Lực - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội, khẳng định, thời gian qua đã có nhiều chỉ thị, văn bản về đối tượng được hưởng chính sách là con cháu người bị nhiễm chất độc da cam. Đây chính là cơ sở pháp lý để bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học.
Về mặt khoa học, thực tế trên thế giới, kể cả Mỹ và các nước đã tham chiến ở Việt Nam cũng đều có chính sách cho đối tượng này. Theo thống kê có hơn 570 công trình khoa học nghiên cứu nhiễm chất độc da cam. Việc thừa nhận thế hệ ông bà, bố mẹ bị nhiễm chất độc da cam thì con cháu của họ bị nhiễm thì cũng cần phải được thừa nhận. Bởi đây là quy luật sinh học về di truyền và biến dị.
Trung tướng Nguyễn Thế Lực cho rằng, Chính phủ cần rà soát lại và có báo cáo đầy đủ, khi xác định đối tượng nên căn cứ vào thế hệ ông bà, bố mẹ có tham gia kháng chiến và có thuộc khu vực bị ảnh hưởng chất độc hóa học để tránh tình trạng lợi dụng chính sách.
Giải trình về đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học vào dự thảo Pháp lệnh, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - Trưởng Ban soạn thảo, cho biết, quan điểm chung là tất cả người dân hay các cháu thế hệ thứ 2, thứ 3; con cháu của người hoạt động cách mạng đều được hưởng chính sách của nhà nước đối với người bị ảnh hưởng của chất độc hóa học. Chỉ có điều, nếu là con của người hoạt động kháng chiến mà bị nhiễm chất độc hóa học thì được hưởng chính sách người có công. Còn những người là nạn nhân chất độc hóa học vẫn được hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thực tế hiện nay vẫn chưa thống kê được số lượng bao nhiêu cháu là đối tượng thứ 3. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Ban soạn thảo cũng chưa có cơ sở, chưa có căn cứ để tổng hợp, mà số liệu hiện nay chỉ dựa vào thông báo ban đầu của Hội Nạn nhân chât độc da cam Việt Nam. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trong quá trình lấy ý kiến các ngành, các cấp còn có ý kiến khác nhau và Ban soạn thảo thấy rằng chưa có đủ căn cứ, chưa có đủ cơ sở để trình chính thức đề nghị đưa vào đối tượng Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, Chính phủ thấy rằng giữa mặt tình, mặt lý, nên trình hai phương án để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thì Ban soạn thảo triển khai tiếp vấn đề này, nếu không thì các cháu vẫn được hưởng chính sách bảo trợ xã hội./.