Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Về Các vấn đề xã hội sáng 25/9, nhiều đại biểu bày tỏ bất bình trước tỷ lệ thất nghiệp 1,84% do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới công bố. Cho rằng tính hiện thực của con số này không cao, Phó chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sỹ Lợi đề nghị Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội trao đổi thêm.
Bộ trưởng Lao động Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, con số này dựa trên cơ sở số liệu điều tra của Tổng cục Tống kê. Chỉ số đánh giá thất nghiệp ở các nước đang phát triển không đồng thuận với chỉ số của các nước phát triển. Nhiều năm nay Việt Nam vẫn tính như thế.
Giải thích thêm, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, con số này được tính theo cách tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), một người lao động trong một tuần có làm việc trong một giờ tạo thu nhập chính đáng thì không coi là thấp nghiệp. Ở các nước phát triển tỷ lệ thất nghiệp 7-8%.
Theo ông Phương, cần có cách tính phù hợp với Việt Nam, vì nó ảnh hưởng đến năng suất lao động. Hiện năng suất lao động được tính bằng cách lấy GDP chia cho tổng số người làm việc bình quân. "Hai bộ sẽ bàn bạc để làm sao đưa ra con số chính xác, phản ánh thực chất nhất. Có thể đưa thêm chỉ tiêu số giờ làm việc trong một tuần hay số lao động làm việc trong khu chính thức, phi chính thức", ông Phương nói.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, tiếp tục đề nghị: “Căn cứ theo tiêu chuẩn của ILO thì làm như thế, nhưng theo anh có phù hợp với Việt Nam, có nhất thiết phải áp theo công thức của ILO. Ở nước ta cơ bản lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, áp dụng một cách máy móc thì xã hội phản ứng”.
Theo Thứ trưởng Phương, định nghĩa của ILO hầu hết các nước đều áp dụng nên xu hướng sử dụng số liệu thống kê để tính chỉ tiêu thất nghiệp là đúng. Tuy nhiên, với đặc thù của Việt Nam thì cần có một số chỉ tiêu khác nữa. Giai đoạn 2011-2012 nhiều doanh nghiệp giải thể, nhưng tỷ lệ thất nghiệp không tăng, số lao dộng làm việc từ khu chính thức chuyển sang phi chính thức.
Bên cạnh tỷ lệ thất nghiệp, rất nhiều đại biểu quan tâm tới hiệu quả của công tác dạy nghề. Theo báo cáo, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 18,25%, chưa đạt được chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch là 52%. Điều này tác động đến chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, việc khắc phục những bất cập rất chậm, không dạy những nghề mà xã hội cần mà dạy những nghề ta có. Công tác dạy nghề chưa đồng bộ giữa cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn lực giáo viên. Trang thiết bị rất lạc hậu, cỗ máy học viên thực hành quá cũ. Lấy ví dụ đào tạo sửa xe máy thì xe đó được sản xuất từ 50-70 năm trước, ra trường không làm được, việc cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức cho giáo viên hạn chế.
“Tôi xin hỏi Bộ trưởng tỷ lệ qua đào tạo thấp như vậy có gây lãng phí? Tỷ lệ khai thác trung tâm dạy nghề đạt bao nhiêu phần trăm? Một số doanh nghiệp đánh giá tuyển dụng những lao động này về không làm việc được mà vẫn phải đào tạo lại”, đại biểu Khá nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng đề nghị Bộ trưởng cần có giải pháp mạnh hơn để tránh tình trạng lãng phí này. “Nguyên nhân là tâm lý không muốn học nghề - cái này rất lâu mới giải quyết được, cộng thêm chính sách có quá nhiều trường đại học... Cái này đề nghị Bộ đưa ra giải pháp mạnh mẽ, những khó khăn này năm nào cũng thế, nếu không thì sang năm vẫn lý do này thôi”, đại biểu Khá nói.
Thừa nhận những khó khăn này, Bộ trưởng Chuyền cho biết Chính phủ đã ban hành đề án đổi mới đào tạo nghề, trong đó nâng cao chất lượng giáo viên, trang thiết bị. Tuy nhiên, 1-2 năm chưa thể khắc phục được tồn tại này mà phải dần dần từng bước.
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân nhắc thêm về con số thất nghiệp, trao đổi với Bộ Lao động. Nếu công bố theo ILO thì phải nói con số này phản ánh gì với thực tế của Việt Nam và chưa phản ánh được điều gì. Một con số công bố mà xã hội phản ứng, chưa chấp nhận thì cần xem xét lại. Về chất lượng đào tạo nghề, năng suất lao động, bà Mai đề nghị Bộ trưởng Lao động cần quan tâm thêm.