Kẽ hở trong đấu thầu thuốc

25/09/2014

Mới đây khi lần đầu đấu thầu thuốc tập trung, Sở Y tế TP HCM ghi nhận một số loại trúng với giá cực kỳ rẻ, dẫn đến lo ngại về thuốc không đủ chất lượng gây nguy hại cho người dân.

Chiều 25/9, Ủy ban Về Các vấn đề xã hội tiếp tục có phiên thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành y tế trong năm 2014.

Dẫn lại việc bắt Tổng giám đốc Công ty dược VN Pharma vì nghi vấn làm giả 7 bộ hồ sơ đấu thầu thuốc vào bệnh viện, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho rằng, đấu thầu thuốc hiện có nhiều bất cập.

Mục đích của đấu thầu là để có thuốc chất lượng và giá cả hợp lý nhưng khi thực hiện dù đã sửa thông tư nhiều lần nhưng vẫn quy về đấu giá. Các thuốc qua vòng kỹ thuật sẽ đấu giá, đơn vị nào bỏ giá thấp nhất chắc chắn trúng thầu. Việc này góp phần tiết giảm chi phí cho quỹ Bảo hiểm y tế nhưng là kẽ hở cho một số công ty với nguồn thuốc không đủ chất lượng nhưng trúng thầu bằng mọi giá.

“Vừa qua, lầu đầu Sở Y tế TP HCM đấu thầu tập trung, chúng tôi ghi nhận một số thuốc trúng thầu giá cực kỳ rẻ. Có thuốc vừa có số đăng ký hôm trước thì hôm sau đã đi đấu thầu, chưa có mặt trên thị trường. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Quy định giá rẻ nhất là phải lấy, tuy nhiên nên đặt vấn đề, người dân tiếp cận thuốc không rõ chất lượng sẽ rất nguy hại”, đại biểu Lan nói.Thuốc ngoại được được các công ty đội lốt các nước phát triển để nhập về Việt Nam, thu lợi bất chính hoặc tinh vi hơn là làm giả hồ sơ như vụ việc liên quan đến VN Pharma. Vì thế bà Lan không đồng ý với đánh giá của Bộ Y tế cho rằng quá trình đấu thầu thuốc vừa qua đảm bảo chất lượng; bên cạnh đó cũng chưa có báo cáo nào của Cục Khám chữa bệnh về chất lượng thuốc.

Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn lý giải, trong quá trình đấu thầu đầu tiên phải chấm điểm kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn rồi mới chọn đến giá, nếu chọn thuốc kém chất lượng thì phải xem lại quá trình đấu thầu.

“Thuốc có ngưỡng chất lượng. Tôi lấy ví dụ dù chỉ có giá 300 triệu đồng nhưng không ai nói xe Matiz không an toàn, kém chất lượng vì nó được phép lăn bánh”, Thứ trưởng Tuấn nói và thừa nhận có sự bất cập.

Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược cũng cho biết, Bộ Y tế sắp ban hành thông tư mới về đấu thầu thuốc, trong đó ưu tiên phần kỹ thuật hơn giá cả. Việc chấm điểm cũng khác, trước đây nếu được 70 điểm, thuốc đã qua vòng kỹ thuật nhưng sắp tới sẽ nâng lên mức 80 điểm. Ngoài ra không phải thuốc rẻ nhất là trúng thầu mà giá thuốc sẽ là giá đánh giá tổng hợp. Ông Đạt nhận định, việc đấu thầu chắc chắn sẽ tốt hơn khi thông tư này được ban hành.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban đề nghị Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu quy định về công bố dịch có còn phù hợp không. Trong năm nay, dịch sởi bùng phát khá mạnh, ngành y tế và các địa phương tích cực chống dịch nhưng dịch không được công bố.

“Luật quy định có dịch thì công bố, nhưng điều kiện rất khó khăn. Nhiều chuyên gia cho rằng không bao giờ công bố được dịch với quy định hiện hành. Công bố dịch kéo theo nhiều hệ lụy nhưng về chuyên môn công bố thì dân mới hiểu, huy động nguồn lực cùng phòng chống bệnh”, Phó chủ nhiệm Tiên nhấn mạnh.

Chung quan điểm này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị rà soát lại luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm xem đã đáp ứng chưa. Năm nào cũng có dịch, mỗi lần như thế dân đều hỏi tại sao không công bố dịch.

(Theo VnExpress)