Dưới sự điều hành của Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Hội thảo đã lắng nghe đại diện Bộ Y tế, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam trình bày thực trạng hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiện nay và những kiến nghị về chính sách để tối ưu hóa việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế trong công tác khám, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lắng nghe Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn trình bày tác động của cơ chế tự chủ tài chính đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và kiến nghị về chính sách liên quan đến việc kiểm soát hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu còn thảo luận về vấn đề áp dụng các phương thức khám bệnh, chữa bệnh mới, nhằm mang lại hiệu quả khám chữa bệnh cho người dân và quỹ bảo hiểm y tế; việc khám chữa BHYT theo định suất và theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG); Quản lý và kiểm soát thu -chi quỹ BHYT, bệnh viện tự chủ thì thực hiện BHYT như thế nào...
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:
Toàn cảnh Hội thảo “Giải pháp về chính sách để kiểm soát hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) và quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH)” của Ủy ban Về các vấn đề xã hội.
Đề cập thực trạng hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng Quỹ BHYT hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết từ năm 2016 bắt đầu mất cân đối giữa thu và chi quỹ BHYT trong năm, nhưng tính trên toàn hệ thống, quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối thu - chi do có nguồn quỹ dự phòng từ các năm trước. Nguyên nhân của mất cân đối thu- chi là do mức đóng BHYT không thay đổi nhiều năm trong khi có điều chỉnh về phạm vi quyền lợi BHYT, về giá dịch vụ tế, nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao do tình trạng già hóa dân số, do thay đổi mô hình bệnh tật...
Tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn nêu rõ thực trạng sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện nay và những kiến nghị về chính sách để tối ưu hóa việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn trình bảy tác động của cơ chế tự chủ tài chính đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và kiến nghị về chính sách liên quan đến việc kiểm soát hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.
Tại Hội thảo, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nêu quan điểm: Cần đẩy mạnh khám chữa bệnh ngoại trú cho bệnh nhân. Điều này sẽ góp phần giúp cho bệnh nhân đỡ khỏi phải nằm viện nếu thực sự không cần tiết; giảm chi phí, công sức cho người nhà bệnh nhân. Điều đặc biệt là giảm tải bệnh nhân cho các bệnh viện tuyến trên và cơ quan BHYT đỡ phải chi trả, nhất là tiền giường bệnh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Thực tế là nhiều đối tượng tham gia BHYT thì càng gia tăng bội chi BHYT. Thế nhưng, những người có mức thu nhập cao lại không tham gia BHYT Việt Nam mà lại tham gia BHYT của các tổ chức nước ngoài. Điều này gây áp lực lớn đến quỹ BHYT. Để đảm bảo quỹ BHYT khám chữa bệnh cho người dân, cần thiết là nên đưa ra mức đóng BHYT với các quy định giá cụ thể vào trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đại biểu Leo Thị Lịch - Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc, hội nêu ý kiến là cần làm rõ danh mục các loại bệnh, loại thuốc được hưởng BHYT. Ngoài ra, đến năm 2021 phải thực hiện thông tuyến cấp tỉnh thì liệu có gây áp lực quá tải bệnh nhân và thực hiện BHYT cho các bệnh viện tuyến trên, có năng lực khám chữa bệnh cao hay không? Vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện tuyến trên khi thực hiện thông tuyến.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu còn cho ý kiến vào việc khám chữa BHYT theo định suất và theo nhóm chẩn đoán liên quan (DRG); Quản lý và kiểm soát thu -chi quỹ BHYT, bệnh viện tự chủ thì thực hiện BHYT như thế nào...
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan chức năng lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu đóng góp để hoàn thiện thêm vào các báo cáo. Điều này cũng sẽ góp phần hoàn thiện hơn khi chỉnh sửa Luật BHYT; Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng như góp phần làm rõ hơn các vấn đề: Khám chữa bệnh BHYT khi tự chủ tài chính y tế ở các bệnh viện, giải pháp khám chữa bệnh khi tiến tới BHYT toàn dân..../.