Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong phát biểu tại hội thảo.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Trần Thị Thanh Lam, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, đại diện HĐND, Liên đoàn Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 10 tỉnh, thành khu vực Nam Bộ.
Tại buổi hội thảo, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin tổng quan về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực Nam Bộ gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, các chính sách hỗ trợ gồm có: Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 và Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021 và Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2021.
Đối với Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020, 19 tỉnh, thành khu vực Nam Bộ đã giải ngân 3.272 tỷ đồng (số liệu của Kho bạc Nhà nước Việt Nam tính đến ngày 27-5-2021) để hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo; nhóm lao động có giao kết hợp đồng lao động và hộ kinh doanh.
Kết quả của chính sách hỗ trợ thuộc Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, tổng kinh phí hỗ trợ của 19 tỉnh, thành phố chiếm 78,4% tổng kinh phí hỗ trợ của toàn quốc (toàn quốc đã chi 42.397 tỷ đồng để hỗ trợ cho trên 36,8 triệu lượt đối tượng). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá, vùng Nam Bộ có tổng kinh phí hỗ trợ khá cao do năm 2021 tình hình dịch bệnh Covid-19 vùng này diễn ra phức tạp.
Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2021 đã đến được với hơn 6 triệu người lao động ở khu vực Nam Bộ, chiếm 46,7% so với cả nước, tổng số tiền hỗ trợ là 2.660 tỷ đồng. Có 139.270 đơn vị (người sử dụng lao động, chiếm 40% so với cả nước) được hỗ trợ giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng với 5,2 triệu người lao động được giảm đóng đến hết ngày 31/3/2022 là 336.828 tỷ đồng.
Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, đại biểu các tỉnh, thành như: Trà Vinh, Sóc Trăng có phát biểu đặc biệt quan tâm đến chính sách thứ 3 trong Nghị quyết 68 là “chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động” gần như không thực hiện được. Do các quy định hiện nay trong đào tạo nghề vẫn còn nhiều bất cập.
Một số đại biểu khác cho rằng, chính sách khi ban hành, có đối tượng thụ hưởng không cần điều kiện để được hỗ trợ, có đối tượng thì lại quá nhiều điều kiện buộc phải có mới được nhận hỗ trợ như đối tượng lao động tự do. Từ đó, gây ra sự so bì rất phức tạp giữa các nhóm lao động. Vấn đề đặt ra đối với chính sách dành cho xã hội là bớt đi những điều kiện xác nhận (như xác nhận của tổ trưởng, trưởng ấp/khu phố).
Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin tổng quan về tình hình thực hiện chính sách.
Bên cạnh đó, có những cụm từ chỉ tính chất công việc (như thế nào là bán hàng rong...) khiến mỗi nơi hiểu mỗi kiểu, gây khó trong việc thực hiện chính sách. Do đó, cần nghiên cứu kỹ khi ban hành chính sách, để việc thực hiện được dễ dàng và triển khai đồng loạt.
Hội thảo đã nghe 5 tham luận, 8 ý kiến đánh giá các gói hỗ trợ thuộc 3 chính sách Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 và Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2021, Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2021.
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho rằng: Điều rất mừng cả 3 nghị quyết đều được các đại biểu đánh giá là mang tính nhân văn, kịp thời, đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước trong việc khắc phục hậu quả cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tuy quá trình tổ chức thực hiện ở từng nơi có khác nhau, nhưng trọng tâm là hướng tới nhân dân để người dân có cuộc sống tốt hơn, phục hồi tốt hơn sau đại dịch”.
Hỗ trợ cho nhóm đối tượng lao động tự do tại khu vực phía Nam là lớn nhất cả nước. Cả 3 nghị quyết ban hành trong điều kiện chưa có tiền lệ (dịch Covid-19), dù các nghị quyết nói trên đã kết thúc, nhưng Chính phủ và Quốc hội sẽ có đánh giá một cách sâu sắc, thoả đáng và tính toán nhằm khắc phục những điểm hạn chế. Qua đó, ban hành những chính sách tiếp theo khả thi, đáp ứng yêu cầu và dễ thực hiện.
“Hội thảo đã có nhiều ý kiến thể hiện các nội dung hoạt động của cả khu vực phía Nam về thực thi chính sách, Ủy ban Xã hội đánh giá cao sự có mặt và tham gia ý kiến đóng góp của các chuyên gia, của những người tác nghiệp trực tiếp đến việc thực thi chính sách” - Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho hay.
Được biết, hội thảo là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kế hoạch phục vụ mục tiêu “có cơ sở báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19”.