Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ cơ quan Văn phòng Quốc hội Nguyễn Đức Thụ phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Thụ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội khẳng định, kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là khâu quan trọng của tổ chức thực hiện, một biện pháp hiệu nghiệm để khắc phục bệnh quan liêu.
Đồng chí Nguyễn Đức Thụ cho rằng, muốn làm tốt công tác kiểm tra, giám sát ở tổ chức cơ sở Đảng phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy đảng và bản thân cấp ủy phải tiến hành công tác kiểm tra giám sát, phải có sự tham gia tích cực của đảng viên, phải kết hợp chặt chẽ công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra của Nhà nước, thanh tra nhân dân, công tác kiểm tra của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nghề nghiệp và phối hợp với các ban ngành có liên quan. Ủy ban Kiểm tra và cán bộ kiểm tra ở tổ chức cơ sở đảng phải nắm vững nhiệm vụ, nội dung, đối tương, phương pháp tiến hành công tác kiểm tra, giám sát để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
Ông Đỗ Hùng Cường, Hàm Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trình bày các chuyên đề tại Hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Đỗ Hùng Cường, Hàm Vụ trưởng Vụ Trung ương 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trình bày các chuyên đề về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Với chuyên đề 1: Kỹ năng về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, đồng chí Đỗ Hùng Cường nêu rõ, kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là công tác lãnh đạo, là công tác xây dựng Đảng, là sinh hoạt nội bộ Đảng. Do đó, tiến hành công tác kiểm tra phải đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đúng phương pháp công tác Đảng. Phải nắm vững và thực hiện tốt phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra, giám sát là: Dựa vào tổ chức Đảng, phát huy tinh thần tự giác của tổ chức Đảng và đảng viên; phát huy trách nhiệm xây dựng Đảng của quần chúng; làm tốt công tác thẩm tra, xác minh. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt ba hình thức kiểm tra, giám sát là kiểm tra, giám sát thường xuyên, kiểm tra định kỳ và kiểm tra bất thường. Đồng chí Đỗ Hùng Cường cũng khẳng định, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra ở tổ chức cơ sở đảng là một nhiệm vụ quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác kiểm tra giám sát ở đảng bộ, chi bộ cơ sở trong giai đoạn mới. Do vậy, phải xây dựng, bồi dưỡng cán bộ cả đức và tài, đó là hai mặt không thể thiếu của người cán bộ, đảng viên.
Hội nghị tập huấn công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng
Một trong những chuyên đề quan trọng mà các đại biểu tập trung làm rõ là Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng của Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội. Công tác kiểm tra của Ủy ban kiểm tra là công tác Đảng, có đặc thù riêng là tiến hành kiếm tra, kết luận, xử lý hoặc giúp cấp ủy xử lý kỷ luật những trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý. Đặc thù này không những khác với các ban của cấp ủy đảng mà còn khác với các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước (điều tra, truy tố, xét xử đều do từng cơ quan độc lập tiến hành). Vì vậy phải coi trọng và thực hiện tốt các phương pháp cơ bản của công tác kiểm tra của Đảng, đặc biệt là công tác thẩm tra, xác minh.
Tại hội nghị, các đại biểu nghe chuyên đề Tổ chức kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết tố cáo tổ chức đảng và đảng viên; giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng; chuyên đề Một số hoạt động thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. /.