KIỂM TRA TỔ CHỨC ĐẢNG CẤP DƯỚI VÀ ĐẢNG VIÊN KHI CÓ DẤU HIỆU VI PHẠM

10/04/2019

"Kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết tố cáo tổ chức đảng và đảng viên; giải quyết khiếu nại về kỷ luật Đảng và một số hoạt động thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ…" là những nội dung cơ bản được các đại biểu tập trung làm rõ tại Hội nghị Tập huấn công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng do Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội tổ chức chiều 10/04, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Phương Tuyến trình bày chuyên đề tại Hội nghị

Tại hội nghị, đồng chí Phương Tuyến - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, khẳng định, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm của ủy ban kiểm tra các cấp được quy định tại Điều 32, Điều lệ Đảng. Việc thực hiện tốt nhiệm vụ này có vị trí rất quan trọng đối với Ủy ban kiểm tra, cán bộ kiểm tra các cấp và cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên, nhất là kiểm tra cấp ủy viên cùng cấp và cán bộ chủ chốt khi có dấu hiệu vi phạm, là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và gặp nhiều trở ngại vì đối tượng kiểm tra ngại bị kiểm tra, sợ ảnh hưởng đến uy tín, thành tích, do đó thường xuất hiện tâm lý mặc cảm, đối phó, phản ứng, thiếu cộng tác.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh, tổ chức đảng có liên quan thường e ngại, không muốn cộng tác trong quá trình kiểm tra. Một bộ phận ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra thiếu bản lĩnh, dũng khí, tính chiến đấu nên có biểu hiện né tránh, nể nang, ngại va chạm. Do vậy trong quá trình tiến hành kiểm tra, phải đảm bảo dân chủ, chú trọng công tác tư tưởng thông qua việc cảm hóa, thuyết phục, động viên giúp đối tượng kiểm tra tránh mặc cảm, định kiến để tích cực cộng tác, phối hợp, chấp hành tốt yêu cầu của đoàn kiểm tra; nêu cao ý thức tự giác của tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra trong việc chuẩn bị và báo cáo, giải trình đầy đủ, trung thực các nội dung kiểm tra, thấy được ưu điểm để phát huy, thiếu sót, hạn chế, yếu kém, khuyết điểm hoặc vi phạm (nếu có); tự nhận hình thức kỷ luật đúng với nội dung, mức độ, tính chất, tác hại và nguyên nhân của vi phạm; không tranh công đổ lỗi cho khách quan. Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra phải thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình; đảm bảo khách quan, trung thực, dân chủ, chuẩn xác. Khi tiếp xúc với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan phải có ít nhất hai cán bộ kiểm tra để đảm bảo tính khách quan.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Phương Tuyến trình bày chuyên đề tại Hội nghị

Sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội cũng như công tác xây dựng Đảng hiện nay, bên cạnh những mặt thuận lợi cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên và tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên ngày càng đa dạng, phức tạp. Vì vậy, công tác giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên càng quan trọng với yêu cầu ngày càng cao hơn, đòi hỏi cán bộ kiểm tra phải nắm vững những nội dung cơ bản của công tác giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng và đảng viên để vận dụng thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Việc tố cáo và giải quyết tố cáo phải bảo đảm quyền làm chủ của công dân theo quy định của pháp luật. Khi tố cáo, công dân thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Bảo đảm quyền dân chủ của đảng viên đã được quy định trong Điều lệ Đảng và nguyên tắc tổ chức sinh hoạt trong nội bộ Đảng.

Tố cáo là một trong những nguồn thông tin để tổ chức đảng, đảng viên nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, sửa chữa, khắc phục các thiếu sót, khuyết điểm trong công tác. Thực hiện tốt việc giải quyết tố cáo là thể hiện sự tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý phê bình, báo cáo, phản ánh, kiến nghị đúng đắn của đảng viên và quần chúng, không những giúp cho tổ chức đảng hoặc đảng viên bị tố cáo nhận rõ sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa, tiến bộ, mà còn có tác dụng cải chính, minh oan, bảo vệ cán bộ, đảng viên trong trường hợp bị tố cáo sai, bị vu cáo; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm tại Hội nghị Tập huấn công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng là nhiệm vụ của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra do Điều lệ Đảng quy định. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, các tổ chức đảng có thẩm quyền phải nắm vững đường lối, cơ chế, chính sách, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục, quy trình thi hành kỷ luật trong Đảng, làm tốt việc thẩm tra, xác minh, công tác tư tưởng để đảm bảo việc thi hành kỷ luật trong Đảng được nghiêm minh, thực hiện tốt mối quan hệ giữa đảng viên với tổ chức đảng, giữa tổ chức đảng cấp dưới với tổ chức đảng cấp trên, giữa tổ chức đảng có thẩm quyền thi hành kỷ luật với đối tượng bị thi hành kỷ luật có khiếu nại./.

Bích Ngọc - Minh Thành

Các bài viết khác