Tọa đàm Tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2017: chỉ số, dự báo và các phân tích

18/05/2017

Chiều 18/5, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chức năng cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế- xã hội, Bộ Kế hoạch- Đầu tư tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2017: chỉ số, dự báo và các phân tích”. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Tạ Đình Xuyên đồng chủ trì buổi Tọa đàm.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng chủ trì buổi Tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, tại các kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành thảo luận và quyết định về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô là những vấn đề chuyên ngành sâu. Mỗi chỉ số kinh tế khô cứng đều hàm chứa những nội hàm phong phú và căn nguyên sâu xa. Trong khi đó, đại biểu Quốc hội không phải ai cũng là chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế. Chính vì vậy, thông tin, nhất là thông tin tham khảo là rất cần thiết và hữu ích đối với đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng mong muốn các diễn giả sẽ không chỉ nêu ra những chỉ số nào tăng, chỉ số nào giảm mà quan trọng hơn là trả lời được câu hỏi: Vì sao lại tăng, vì sao lại giảm; Tăng hay giảm đó tác động tích cực và tiêu cực gì đến kinh tế xã hội; Dự báo các chỉ số đó sẽ như thế nào trong thời gian tới. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đặt nhiều câu hỏi cho các chuyên gia, đề nghị các diễn giả và các nhà kinh tế đóng góp, thảo luận, chia sẻ tích cực, thẳng thắn để tọa đàm có được những thông tin bổ ích, thiết thực.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung vào một số vấn đề như: Một số vấn đề nổi bật về kinh tế thế giới các tháng đầu năm và dự báo 2017; Phân tích diễn biến một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô các tháng đầu năm 2017 và Dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2017; Đánh giá tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam các tháng đầu năm 2017.

Các chuyên gia dự báo của Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo Kinh tế- xã hội quốc gia dự báo kinh tế thế giới được cải thiện trong năm 2016 và triển vọng tiếp tục được cải thiện  năm 2017; kinh tế Mỹ mặc dù bị sụt giảm trong quý I nhưng được dự báo sẽ có cải thiện trong 2017; khu vực EU ổn định hơn, đồng UER được giữ vững; giá dầu có xu hướng tăng nhẹ; kinh tế Nhật có nguy cơ đối mặt với giảm phát.

Nhận xét về tình hình kinh tế Việt Nam các tháng đầu năm 2017, các đại biểu tham dự tọa đàm cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định song tăng trưởng ở mức thấp; mô hình chuyển đổi chậm, nền kinh tế vẫn phụ thuộc nặng nề vào các ngành khai khoáng; cơ cấu công nghiệp phụ thuộc vào khối doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chậm; nền kinh tế vẫn chủ yếu là gia công, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển.

Các đại biểu đã đưa ra gợi ý một số chính sách cho phát triển nền kinh tế trong thời gian tới: tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô để tạo lập niềm tin đối với nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp; điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất chủ động theo hướng ổn định; giảm lãi suất trung và dài hạn; hạn chế nợ xấu phát sinh; đồng thời tập trung tín dụng vào khu vực sản xuất, giám sát để đảm bảo nguồn vốn không chảy vào đầu cơ trên thị trường bất động sản; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ.

Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Tổ công tác của Thủ tướng cần kết hợp giữa việc kiểm tra tiến độ của các nhiệm vụ được giao với việc kiểm điểm, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các giải pháp đã đề ra và kế hoạch về tái cơ cấu kinh tế; thực hiện đánh giá độc lập về kết quả thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh.

Tọa đàm đã cung cấp các phân tích, luận giải về cơ sở và ý nghĩa của các chỉ số kinh tế trong tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2017, dự báo tình hình kinh tế năm 2017, phục vụ các đại biểu Quốc hội trong việc thảo luận tình hình kinh tế- xã hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. 

Đặng Mai