ĐBQH NGUYỄN THỊ YẾN ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ BỐ TRÍ NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021-2025

26/02/2021

Tham gia thảo luận ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm về chủ trương và bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho công trình dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và các dự án, công trình trên địa bàn huyện Côn Đảo.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu tại phiên họp

Tham gia đóng góp ý kiến về mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và giai đoạn tới, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bày tỏ băn khoăn với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế GDP, bởi vì đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực trong năm 2021 và những năm tiếp theo, khiến kinh tế và thương mại thế giới suy giảm, diễn biến khó lường. Bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ như vừa qua ở một số tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến kinh tế nước ta. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có các kịch bản, những phương án, giải pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối của nền kinh tế.

Đối với việc khắc phục bão lũ, sạt lở ở miền Trung, theo đại biểu Nguyễn Thị Yến, ngoài việc bổ sung ngân sách, tập trung khắc phục hậu quả, cần phân tích, đánh giá về nguyên nhân, có chiến lược, giải pháp tổng thể căn cơ, lâu dài trong quy hoạch lại dân cư, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực đảm bảo để phòng tránh thiên tai, bão lũ, chống sạt lở.

Thực hiện Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và để phát triển kinh tế cho quốc gia trong thời gian tới đảm bảo quốc phòng, an ninh cho biển đảo, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm về chủ trương và bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho công trình dự án sau:

Một, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu được quy hoạch là cửa ngõ quốc gia loại 1A đi thẳng châu Âu, châu Mỹ, là 1 trong 21 cảng lớn nhất thế giới. Ngày 25/10 vừa qua, cụm cảng đã đón tàu container lớn nhất thế giới với trọng tải 214.121 tấn cập cảng với sức chở hơn 18.300 tiêu. Tuy vậy cụm cảng vẫn chưa phát huy hết lợi thế. Nguyên nhân chính là hạ tầng giao thông kết nối chưa đồng bộ, năm 2019 mới đạt 50% công suất thiết kế hàng hóa qua cảng. Hiện nay, các tỉnh miền Đông Nam Bộ kết nối đến Bà Rịa - Vũng Tàu bằng đường bộ duy nhất chỉ có tuyến đường độc đạo là Quốc lộ 51 nên dẫn đến tình trạng quá tải, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa đi về cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và du lịch, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đất nước, kinh tế vùng. Do đó, đại biểu kiến nghị xem xét đưa dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với phương thức đối tác công tư, giao Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư vì đường đi qua 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai. Dự án này đã dự kiến 20 năm, nhưng chưa thực hiện được.

Hai, về các dự án, công trình trên địa bàn huyện Côn Đảo. Côn Đảo là một huyện đảo có vị trí quan trọng, chiến lược cả về kinh tế và quốc phòng, an ninh của đất nước, là địa danh có vị trí địa lý lịch sử đặc biệt với quốc gia và khu vực, là điểm tiền tiêu cửa hướng ra Biển Đông, là nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian, là bàn thờ Tổ quốc, là nơi giáo dục truyền thống. Côn Đảo đã được Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trở thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế. Hiện nay, nguồn điện đang chạy bằng máy phát điện diesel, không cung cấp đủ nhu cầu thực tế, đầu tư điện gió và điện năng lượng mặt trời thì khó thực hiện. Bên cạnh Cảng hàng không Côn Đảo được sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân dụng, sân bay này chỉ có một đường cất cánh và hạ cánh với chiều dài ngắn nên chỉ tiếp nhận được máy bay nhỏ mà không thể khai thác bằng máy bay lớn hơn. Nếu thời tiết thay đổi bất thường thì máy bay không thể cất, hạ cánh, tàu ra vào không được, việc đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và cuộc sống của người dân. Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội cho Côn Đảo, đại biểu kiến nghị đầu tư xây dựng hệ thống đường dây truyền tải điện cao áp xuyên biển từ Sóc Trăng ra Côn Đảo và nâng cấp sân bay Cỏ Ống, Côn Đảo./.

Minh Hùng