ĐBQH BỐ THỊ XUÂN LINH THAM GIA Ý KIẾN VỀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

26/02/2021

Tham gia ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kịp thời giải ngân các gói hỗ trợ nhằm để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tác động bởi đại dịch.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu tại phiên họp

Tham gia ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Bố Thị Xuân Linh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ đồng tình, ủng hộ và tin tưởng với sự điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua, đặc biệt là sự quyết liệt của Chính phủ trong việc chỉ đạo và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão lũ vừa qua, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn bão số 8 và số 9. Hiện nay, cả nước cũng đang triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp để triển khai kinh tế - xã hội. Là một trong những quốc gia tăng cường cao trong khu vực và trên thế giới, đạt được kết quả đó là sự nỗ lực lớn của cả một hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các cơ quan, bộ, ngành và địa phương, sự đồng lòng, thống nhất, tương thân, tương ái của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh trình bày một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù nước ta đã cơ bản kiểm soát tốt các đợt dịch vừa qua. Tuy nhiên, tác động xấu từ nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới đối với nền kinh tế trong nước là không hề nhỏ. Hệ lụy của nó đã để lại cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và người dân vô cùng lớn. Mặc dù Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ nhằm kích thích kinh tế nhưng tình hình dịch COVID-19 vẫn đang tiềm ẩn, những biến đổi khó lường và hiện nay các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và nhiều đối tượng khác vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và để khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kịp thời giải ngân các gói hỗ trợ nhằm để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tác động bởi đại dịch và đồng thời tiếp tục chỉ đạo rà soát, bổ sung một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng chưa được quy định trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ như là các xe thồ, thợ hồ, xe ôm có sự đảm bảo của cộng đồng thôn và tổ tự quản và bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ trong các trường mẫu giáo, tiểu học và nhóm trẻ thuộc cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Thứ hai, tình hình bão lũ rất nghiêm trọng và rất thương tâm tại các tỉnh ở Bắc Trung Bộ. Đại biểu cho rằng, Quốc hội cũng như Chính phủ cần phải đánh giá một cách sâu kỹ và toàn diện hơn về nguyên nhân của tình hình biến đổi khí hậu hiện nay là do thiên tai, nhân tai như thế nào để chúng ta có đủ cơ sở để tiếp tục xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chiến lược quy hoạch vùng và đề ra các giải pháp nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo và ứng phó kịp thời để giảm nhẹ các loại thiên tai xảy ra.

Thứ ba, một vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm là về đạo đức xã hội hiện nay xuống cấp, gây bức xúc trong xã hội như tình hình bạo lực gia đình, bạo lực học đường và nhiều vụ án thương tâm đã xảy ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải đề ra các giải pháp phù hợp, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc truyền đi thông điệp tích cực về những lối sống đẹp, những tấm lòng nhân ái trong xã hội, hình thành một dư luận xã hội ủng hộ các giá trị chân, thiện, mỹ. Chính cái thiện, cái đẹp của văn hóa trong xã hội sẽ góp phần đẩy lùi các tệ nạn và cái xấu. Bên cạnh đó, cần phải nghiên cứu, phát động sâu rộng những giá trị tốt đẹp của phong trào ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo mà trước đây Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động

Thứ tư, về phát triển kinh tế biển được Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững.

Để thực hiện chiến lược trên, Chính phủ đã ban hành và phê duyệt nhiều nghị quyết và quyết định quan trọng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Từ khi có nghị quyết của Đảng, quyết định của Chính phủ, các cấp, các ngành, các doanh nghiệp từ Trung ương cho đến địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động cho từng lĩnh vực ở từng địa bàn của mình bước đầu đã triển khai có những kết quả đáng khích lệ. Vấn đề này trong báo cáo của Chính phủ chưa hoặc ít đề cập các biện pháp, giải pháp để phát triển kinh tế biển. Vậy, đề nghị Chính phủ cần phải chú trọng quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, về các huyện có đảo. Có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển đảo trên cơ sở chủ trương định hướng phát triển chung của cả nước, cần có quy hoạch tổng thể chung cũng như đối với từng lĩnh vực, từng địa phương, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm dẫn đến sự phân tán, thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành, đồng thời cũng có các biện pháp hỗ trợ cho ngư dân khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển đảo, phát triển du lịch kết hợp với việc triển khai các dịch vụ công ích trên biển./.

Minh Hùng