MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI HỘI THẢO NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BỒI DƯỠNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

27/11/2018

Hội thảo nâng cao chất lượng bồi dưỡng đại biểu Quốc hội giải pháp và tầm nhìn cho tương lai do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại trụ sở Văn phòng Quốc hội vào chiều ngày 27/11. PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có TS Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu lập pháp; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước; đại diện một số vụ, đơn vị chuyên môn của Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu Lập pháp.

Bồi dưỡng đại biểu Quốc hội thời gian qua được coi là một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung. Về phương diện tổ chức và hoạt động, Quốc hội nước ta có những đặc thù riêng biệt. Bên cạnh đó, mỗi nhiệm kỳ Quốc hội luôn có một số lượng lớn đại biểu mới được bầu lần đầu. Do vậy, nhu cầu tiếp cận các kỹ năng hoạt động nghị trường cũng như nhu cầu cập nhật kiến thức để đảm đương trọng trách người đại biểu nhân dân là vấn đề luôn được đặt ra.  

Cũng tại hội thảo, sau khi nghe báo cáo tham luận, các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm như: hiệu quả hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội trong thời gian qua; những vấn đề mấu chốt làm hạn chế hiệu quả hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội; quan điểm cơ bản định hướng cho hoạt động bồi dưỡng đại biểu thời gian tới; các giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng đại biểu Quốc hội phù hợp với điều kiện của Việt Nam và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Cổng thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo Nâng cao chất lượng bồi dưỡng đại biểu Quốc hội giải pháp và tầm nhìn cho tương lai. Hội thảo là diễn đàn mở, các tham luận, ý kiến trao đổi tại Hội thảo sẽ được nghiêm túc tiếp thu, bổ sung cho báo cáo khoa học và kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ được chuyển cho các cơ quan có liên quan để tham khảo, tiếp thu ứng dụng trong hoạt động thực tiễn.

PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, phát biểu khai mạc Hội thảo: Bồi dưỡng đại biểu Quốc hội thời gian qua được coi là một trong những yếu tố góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Do vậy, nhu cầu tiếp cận các kỹ năng hoạt động nghị trường cũng như nhu cầu cập nhật kiến thức để đảm đương trọng trách người đại biểu nhân dân là vấn đề luôn được đặt ra.  

TS.Trần Tuyết Mai, Chủ nhiệm đề tài: Công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội đã triển khai được hơn 10  năm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng để từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác bồi đưỡng cho thấy vẫn còn những bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện như: nhận thức về vai trò của công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội; việc xác định đói tượng, nội dung, đặc thù công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội...

Ông Trần Văn Tám, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, trình bày tham luận về Quan điểm, định hướng xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội với đề xuất 06 định hướng cơ bản nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả triển khai công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội.

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trình bày tham luận về Hoàn thiện quy định của pháp luật về công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng bồi dưỡng trong điều kiện hiện nay 

Ths. Nguyễn Đức Lam, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử trình bày tham luận về Nâng cao tổ chức và hoạt động của cơ quan chuyên trách về bồi dưỡng đại biểu Quốc hội đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng trong thời gian tới. 

Một số đại biểu tham dự tại Hội thảo 

Lê Anh