Toàn cảnh Tọa đàm "Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính"
Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ sáu ban hành ngày 20/06/2012. Thực tiễn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật những năm qua, bên cạnh những thành tựu, kết quả to lớn đã đạt được thì đã phát sinh những vướng mắc bất cập, cần thiết phải tổ chức đánh giá một cách toàn diện, bài bản, hệ thống và cần có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao một bước hiệu lực hiệu quả của pháp luật xử lý vi phạm hành chính đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay của nước ta. Trên cơ sở tổng kết đánh giá toàn diện, đầy đủ, chính xác cơ sở chính trị pháp lý và cơ sở thực tiễn trong việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật này, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội kháo XIV và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10. Hồ sơ dự án Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ, thẩm tra chính thức đối với dự án Luật. Dự án Luật cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 42 và đã Thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật này.
TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính sau hơn 7 năm thi hành đã có nhiều vấn đề đặt ra cần phải tổng kết, đánh giá để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Việc sửa đổi, bỏ sung một số điều cảu Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập; đồng thời tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về xử lý vi phạm hành chính, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013; đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng các yêu cầu của công tác đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm hành chính.
TS.Nguyễn Văn Hiển cũng nhấn mạnh, đây là dự án luật có phạm vi điều chỉnh rộng, kỹ thuật lập pháp khó. Vì vậy, việc tổ chức tọa đàm để có thêm thông tin, góc nhìn đa chiều về dự án luật, phục vụ các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tới đây.
Tại tọa đàm, đa số ý kiến đại biểu tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật như bổ sung quy định tăng mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực; bổ sung thêm chức danh có thẩm quyền xử phạt; quy định rõ hơn về giao quyền xử phạt, lập biên bản, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính so với Luật hiện hành; sửa đổi, bố sung quy định về trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Cũng tại tọa đàm, các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề về nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật; về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính,…
Cho ý kiến về mức phạt tiền tối đa, TS.Vũ Huy Khánh, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho rằng, việc sửa đổi mức phạt tiền tối đa theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực (gồm: giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản), bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 06 lĩnh vực (gồm: tín ngưỡng; đối ngoại; cứu nạn, cứu hộ; in; an toàn thông tin mạng; sở hữu trí tuệ ) là phù hợp. Tuy nhiên, đây là vấn đề có liên quan trực tiếp đến mức phạt tiền tối đa quy định cho các lĩnh vực khác tại Điều 24 của Luật, cần phải bảo đảm sự hài hòa, đồng bộ, hợp lý trong mối tương quan giữa các lĩnh vực đang quy định trong Luật hiện hành.
TS.Vũ Huy Khánh, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an phát biểu tại Tọa đàm
Thẩm quyền quy định hợp lý sẽ giúp việc phát hiện vi phạm hành chính nhanh chóng, xử phạt kịp thời mà vẫn bảo đảm tính khách quan, chính xác, phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước. Góp ý vào nội dung này, TS. Nguyễn Ngọc Bích, Phó Bộ môn Luật hành chính, Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội kiến nghị, nên sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 theo hướng quy định về thẩm quyền theo cách tính phần trăm dựa vào mức tối đa của khung tiền phạt áp dụng với vi phạm hành chính trong lĩnh vực. Cách quy dịnh này vừa phân hóa được thẩm quyền xử phạt, vừa bảo đảm thẩm quyền xử phạt được quy định linh hoạt nếu trong trường hợp có sự thay đổi về mức phạt tối đa của khung tiền phạt.
TS. Nguyễn Ngọc Bích, Phó Bộ môn Luật hành chính, Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm
Tán thành với nhiều nội dung sửa đổi của dự thảo tuy nhiên, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng nhiều vấn đề được dự kiến sửa đổi, bổ sung nhưng không phải là vấn đề bất cập, chưa cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc chưa được đánh giá tác động chính sách; ngược lại, có những nội dung qua tổng kết được xác định là có vướng mắc, bất cập nhưng không được dự kiến sửa đổi, bổ sung nhưng không phù hợp với mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ thực trạng các bất cập, vướng mắc, căn cứ, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các điều khoản của dự thảo Luật và đánh giá tác động cụ thể đối với các chính sách của dự thảo Luật; đồng thời cơ quan soạn thảo cần chuẩn bị đầy đủ các dự thảo văn bản quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật để trình Quốc hội theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Đối với quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy, ông Lê Đức Hiền, Nguyên Phó Cục trưởng, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đánh giá cao dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã mang tính thực tiễn, tinh thần đổi mới tư pháp, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý đối với người sử dụng và nghiện ma túy cả về đối tượng, biện pháp, trình tự, thủ tục áp dụng. Tuy nhiên, đại biểu cũng kiến nghị rút ngắn thời gian cai nghiện bắt buộc. Thời gian cai nghiện bắt buộc nên là 12 tháng hoặc tối đa là 18 tháng theo mức độ tăng dần, cai nghiện bắt buộc lần đầu với những người “nghiện nhẹ” nên là 6 tháng. Những lần cai nghiện sau tăng dần thời gian. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị thời gian “chưa bị xử lý vi phạm hành chính” với người sau cai nghiện bắt buộc chỉ nên 6 tháng đến 12 tháng.
Cũng tại tọa đàm, các đại biểu còn cho ý kiến về nhiều nội dung khác của dự thảo như: phạm vi sửa đổi; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 58, 64 và 66 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; việc bổ sung quy định “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh dịch vụ”; áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi; biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; …
Phát biểu kết luận buổi Toạ đàm, TS. Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đánh giá cao các góp ý của các đại biểu, đồng thời cho biết Viện Nghiên cứu lập pháp nghiên cứu sẽ tổng hợp thành tài liệu tham khảo để cung cấp thông tin về dự án Luật tới các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV./.