HỘI THẢO TIẾP TỤC HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

21/11/2019

Chiều ngày 21/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ban Công tác đại biểu tổ chức Hội thảo “Tiếp tục hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong tình hình hiện nay”. PGS.TS Hoàng Văn Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, và TS. Đặng Xuân Phương, Phó Trưởng ban Ban Công tác Đại biểu, đồng chủ trì hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; Đại biểu Quốc hội một số tỉnh, thành phố cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu khai mạc, TS.Đặng Xuân Phương, Phó Trưởng ban Ban Công tác đại biểu cho biết, để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng đã được xác định rõ tại các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII của Đảng, đặc biệt là sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, sau hơn 10 năm thực hiện Luật cán bộ, công chức, tại kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã và đang xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Ngoài những vẫn đề mà dự án Luật đề cập tới, trong thời gian qua cũng như sắp tới, Ban Tổ chức Trung ương đang phối hợp với Bộ Nội vụ, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội triển khai rất nhiều đề án quan trọng gắn với đổi mới hệ thống công chức, công vụ.

TS.Đặng Xuân Phương, Phó Trưởng ban Ban Công tác Đại biểu phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại hội thảo, các báo cáo tham luận tập trung vào 04 nội dung cơ bản: cơ chế tuyển dụng, sử dụng công chức trước yêu cầu thu hút nhân tài, người có trình độ cao trong hoạt động công vụ; chế tài xử lý kỷ luật đối với người thôi giữ chức vụ hoặc đã nghỉ hưu; cơ chế quản lý cán bộ, công chức gắn với trả lương và những vấn đề có ý kiến khác nhau trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cán bộ, công chức.

Trên cơ sở phân tích thực trạng tuyển dụng công chức nói chung và áp dụng cơ chế, chính sách nhằm tuyển dụng, sử dụng nhân tài, người có trình độ cao trong hoạt động công vụ, ông Đặng Đình Luyến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đã nêu lên những vấn đề đặt ra trong xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tuyển dụng, sử dụng nhân tài, người có trình độ cao trong hoạt động công vụ. Trong đó, nhấn mạnh việc cần phải nâng cao nhận thức chung về sự cần thiết phải thu hút, tuyển dụng các nhân tài, người có trình độ cao trong hoạt động công vụ của bộ máy nhà nước. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tuyển dụng, sử dụng các nhân tài, người có trình độ cao.

Đối với nội dung xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, TS.Nguyễn Hải Long - Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Đại biểu dân cử, Văn phòng Quốc hội, cho rằng việc kỷ luật cán bộ, công chức nghỉ hưu là việc được bàn trong mấy năm gần đây bởi chưa có quy định, nhưng thực tiễn đặt ra với cán bộ, công chức nghỉ hưu nếu cso vi phạm chưa đến mức xử lý hình sự thì có hình thức kỷ luật gì không để đảm bảo nguyên tắc ai có hành vi vi phạm đều bị xử lý? Bộ Nội vụ từng dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ nghỉ hưu nhưng chưa thực hiện được do không có cơ sở pháp lý rõ ràng trong văn bản luật. Hiện nay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức đã đưa ra quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức khi nghỉ hưu. Đây là vấn đề cần nghiên cứu nhằm tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, tránh tình trạng “hạ cánh an toàn” khi nghỉ hưu.

Sau khi nghe báo cáo tham luận, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề trọng tâm như: cơ chế đánh giá cán bộ, công chức; cơ chế quản lý cán bộ, công chức gắn với trả lương theo vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng công chức trước yêu cầu thu hút nhân tài, người có trình độ cao trong hoạt động công vụ; …

Đồng tình cao với nhiều nội dung tham luận, đại biểu Y Khút Niê, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, cho rằng, hiện nay trong công tác đánh giá cán bộ còn hình thức, mang tính nể nang, chưa chính xác. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu là vô cùng quan trọng trong việc thực hiện đánh giá cán bộ công chức. Do đó, cần quy định rõ cơ chế ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu trong đánh giá cán bộ, công chức đồng thời đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ công chức theo kết quả công việc thực tế.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, phát biểu thảo luận tại Hội thảo

Cho ý kiến về nội dung thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đề nghị, luật hóa vấn đề thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý trong dự án Luật sửa đổi lần này. Bởi thực tế, thời gian qua tại một số địa phương đã thực hiện và kết quả rất tốt nhưng chưa được nhân rộng. Việc quy định rõ trong luật sẽ đảm bảo tính pháp lý và là cơ sở quan trọng để lựa chọn được cán bộ lãnh đạo xứng đáng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hiện nay.  

Kết luận hội thảo PGS.TS Hoàng Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Từ ý kiến phân tích của các đại biểu những vấn đề lý luận và thực tiễn về Luật Cán bộ, công chức đã được làm rõ thêm. Đây cũng là cơ sở để Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu và hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ về “Hoàn thiện pháp luật cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính ở Việt Nam theo Hiến pháp 2013”./.

Lê Anh