CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN TẠI NGHỊ VIỆN MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

16/07/2020

Công tác dân nguyện là vấn đề quan trọng đối với thiết chế Nghị viện. Vì vậy, không chỉ Quốc hội Việt Nam mà Nghị viện các nước đều có cơ quan đảm trách công tác này. Chia sẻ tại Hội thảo “Một số vấn đề về mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, TS. Hoàng Minh Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thông tin, cho biết trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau để thực hiện công tác dân nguyện.

Toàn cảnh Hội thảo do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức

Một chức năng quan trọng đối với các nghị viện là tạo ra một kênh kết nối để qua đó các công dân có thể đưa ra kiến nghị tới các cơ quan nhà nước. Quyền này của các công dân gắn liền với sự ra đời của nghị viện. Ngay từ khi Nghị viện Anh mới được thành lập thì các cuộc họp của Nghị viện đã được xem là nơi để xem xét các kiến nghị của người dân gửi đến Nhà Vua. Cho đến ngày nay, việc công dân gửi các kiến nghị của mình đến nghị viện đã trở thành một kênh truyền thống khi những người dân thấy rằng những quyền lợi của mình bị ảnh hưởng. Rõ ràng với sự tham gia của người đại diện thì các công dân có thể dễ dàng hơn trong việc bảo vệ các quyền lợi cũng như các ý kiến của mình.

Tuy nhiên, với sự phát triển của định chế nghị viện, số lượng các kiến nghị ngày càng tăng lên. Do vậy, các nghị viện đã phải thiết lập ra những cơ chế để hỗ trợ các nghị sỹ trong việc xem xét, xử lý các kiến nghị do các công dân gửi tới. Hiện tại, có nhiều mô hình khác nhau để thực hiện công việc này. Theo đó, hiện có 3 mô hình cơ bản là mô hình Ủy ban Dân nguyện; mô hình giao cho Thanh tra Quốc hội để giải quyết các kiến nghị cảu cử tri và mô hình kết hợp giữa Thanh tra Quốc hội và Ủy ban Dân nguyện.

 TS. Hoàng Minh Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội

Theo TS. Hoàng Minh Hiếu, mô hình tổ chức cơ quan giải quyết vấn đề này tương đối đa dạng. Tuy nhiên, đối với những nghị viện không có truyền thống tổ chức theo mô hình Thanh tra Quốc hội như ở cá nước Bắc Âu hoặc nghị viện một số nước khác thì xu thế gần đây là tiến tới thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội như ở Anh, Canada, Australia,... Đặc biệt, kể từ khi xuất hiện hình thức tiếp nhận các kiến nghị của công dân qua các trang thông tin điện tử thì nhu cầu thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội càng trở nên rõ ràng hơn để tạo thành một đầu mối thống nhất trong việc xem xét các kiến nghị của công dân gửi đến Quốc hội.

Cũng tại Hội thảo, TS. Hoàng Minh còn chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tổ chức nội vụ tại nghị viện một số nước. Theo đó, việc xem xét các vấn đề có liên quan đến công tác nội vụ ở Quốc hội các nước thường được giao cho các ủy ban của Quốc họi tổ chức thực hiện. Đối với vấn đề liên quan đến công tác nội vụ, thông thường không chỉ được giao cho một ủy ban thực hiện mà còn được giao cho một số ủy ban cùng thực hiện. Điều nay xuất phát từ sự đa dạng trong việc tổ chức các ủy ban ở Quốc hội các nước. Các ủy ban của Quốc hội không chỉ gồm duy nhất một hình thức là để xem xét, thẩm tra các dự án luật được gửi đến Quốc hội mà còn xem xét, đề xuất những nội dung khác trình Quốc hội./.

Lê Anh