TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS.Lê Hải Đường Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, và ông Philip Degenhardt, Giám đốc Quỹ Rosa Luxemburg, Vùng Đông Nam Á, Văn phòng Hà Nội đồng chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn, quản lý đến từ các bộ ngành, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết tọa đàm là diễn đàn khoa học trao đổi, thảo luận về bối cảnh, những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội; khó khăn, hạn chế và đưa ra những khuyến nghị để tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả các mục tiêu chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra.
Trình bày dự thảo báo cáo chuyên đề, TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đã tập trung làm rõ bối cảnh tác động đến việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; chỉ rõ kết quả nổi bật trên các lĩnh vực trong 9 tháng đầu năm 2020 từ đó đưa ra dự báo bối cảnh và một số khuyến nghị về chính sách tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2020 và năm 2021.
TS.Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp trình bày Dự thảo Báo cáo chuyên đề
Một số khuyến nghị chính sách được dự thảo báo cáo chuyên đề đưa ra như: Kiên trì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, tăng cường khả năng kiểm soát dịch Covid -19; Nâng cao khả năng dự báo, nhận diện cơ hội và thách thức để xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp; Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; Tăng cường quốc phong an ninh, đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị.
Cho ý kiến tại tọa đàm, PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM, cơ bản đồng tình với nội dung tại dự thảo báo cáo chuyên đề đồng thời nhấn mạnh, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm thấp so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng trong điều kiện bị tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid - 19 thì kết quả tăng trưởng GDP của Việt Nam rất tích cực, là điểm sáng hiếm hoi của thế giới. Đồng thời, kiến nghị nên có 2 điểm cần nhấn mạnh trong phần khuyến nghị chính sách gồm tăng cường tính cảnh báo và tăng cường chức năng giám sát kể cả giám sát ban hành chính sách, tổ chức thực hiện.
PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng CIEM phát biểu tại Tọa đàm
Cũng tại tọa đàm, một số ý kiến khác đề nghị: nên tách rõ từng nhóm vấn đề trong phần khuyến nghị và nhấn mạnh việc hoàn thiện theo hướng cụ thể ra sao để những giải pháp đưa ra có tính tường minh, thuyết phục hơn. Ngoài ra, cần phân tích rõ các nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2020; xem xét cụ thể các nguyên tắc phản ứng của Việt Nam đã phù hợp hay chưa?; làm rõ làm rõ nội dung đại dịch Covid -19 đang làm thay đổi các xu hướng lớn của thế giới đã hình thành trong 10 năm nay như thế nào? ...
Đánh giá cao ý nghĩa của Tọa đàm, ông Philip Degenhardt, Giám đốc Quỹ Rosa Luxemburg, Vùng Đông Nam Á, Văn phòng Hà Nội cho rằng, việc cung cấp thông tin chính thức như thế này sẽ giúp các đại biểu Quốc hội có đủ thông tin đa chiều, kiến thức cần thiết làm căn cứ để thảo luận, biểu quyết và quyết định các vấn đề quan trọng tại kỳ họp Quốc hội.
Kết luận tọa đàm, TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đánh giá cao những ý kiến góp ý và nêu rõ, trên cơ sở nội dung chuyên đề và các tham luận, phát biểu tại tọa đàm, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp và gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội để tham khảo trong quá trình thảo luận Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, quyết định và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo./.