TIẾP TỤC HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT ĐIỆN ẢNH (SỬA ĐỔI) ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

07/09/2021

Sáng 07/9, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội thảo trực tuyến “Góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi)”. PGS.TS Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đồng chủ trì hội thảo.

 

Hội thảo được tổ chức trực tuyến

Tham dự hội thảo có: đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cùng các chuyên gia đến từ Hiệp hội xúc tiến điện ảnh Việt Nam, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Cục hợp tác quốc tế, Cục Văn hóa cơ sở; Viện phim Việt Nam,….

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2007 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2009. Luật Điện ảnh được ban hành là thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc, tạo cơ sở phát lý để phát triển điện ảnh Việt Nam theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập của nền điện ảnh nước nhà.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Ts. Nguyễn Văn Hiển

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng nhấn mạnh, qua 14 năm triển khai, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Điện ảnh đã bộc lộ một số quy định chưa phù hợp với thực tế, không có tính khả thi hoặc tính khả thi không cao. Trong đó, một số quy định của Luật Điện ảnh còn chưa cập nhật với tình hình phát triển của nền kinh tế thị trường hoặc chưa có quy định nhằm bảo vệ và phát triển điện ảnh dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế. Để khắc phục những hạn chế, Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ sửa đổi, bổ sung những quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động điện ảnh, qua đó tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh một cách bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh, cùng đóng góp xây dựng nền điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, tiên tiến và hiện đại.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận nhằm làm rõ một số vấn đề trọng tâm trong dự thảo Luật như: Đề xuất một số chính sách khi sửa đổi Luật Điện ảnh; Đổi mới trong quản lý điện ảnh của Việt Nam; Cơ chế xã hội hóa, huy động tham gia của cộng đồng trong hoạt động điện ảnh; Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh; Quảng cáo phim; Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh; Góp ý cụ thể vào các điều, khoản tại Dự thảo Luật;…

 PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam 

Góp ý về nội dung đổi mới trong quản lý điện ảnh, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng, mặc dù các lộ trình xây dựng khung chính sách của Việt Nam đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc tăng cường năng lực quản lý, cải thiện môi trường sáng tạo, thúc đẩy hợp tác, hội nhập quốc tế, bảo vệ quyền bình đẳng giới cho các nhà làm phim. Nhưng rõ ràng những rào cản về nhận thức, định kiến, các lỗ hổng về thể chế, sự thiếu vắng vai trò tham dự, tiếng nói của các nhà làm phim trong việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến hoạt động làm phim, cơ chế phổ biến, phân loại phim vẫn đang là những thách thức trói buộc, cản trở khả năng sáng tạo và phát huy các biểu đạt đa dạng văn hóa trong lĩnh vực điện ảnh ở Việt Nam.

Để khung chính sách của Việt Nam thể hiện đúng tinh thần Công ước 2005 đối với hoạt động làm phim, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương đề xuất 5 giải pháp đổi mới, điều chỉnh hoặc bổ sung theo hướng sát thực tế: Thứ nhất, nâng cao nhận thức, xóa bó định kiến, tăng cường đối thoại chính sách một cách cởi mở, trực tiếp; Thứ hai, hình thành cơ chế có sự tham gia của nhà làm phim trong quá trình rà soát, điều chỉnh, xây dựng chính sách, đặc biệt là ở quy trình phổ biến phim; Thứ ba, đẩy mạnh việc đưa các tài năng điện ảnh ra nước ngoài học tập và áp dụng các chương trình đào tạo trong nước theo hướng đồng bộ gắn với các công đoạn làm phim; Thứ tư, triển khai các giải pháp liên ngành nhằm tăng cường phối hợp công – tư, tối ưu hóa quy trình làm phim theo hệ thống chiều dọc; Thứ năm, tạo môi trường hỗ trợ các nhà làm phim Việt Nam tăng cường kết nối quốc tế thông qua giao lưu, hợp tác và liên doanh sản xuất phim.

Đề xuất các nhóm chính sách khi sửa đổi Luật Điện ảnh, TS.Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, nhấn mạnh, cần có những định hướng lớn về chính sách để khuyến khích điện ảnh phát triển. Trong đó, chú trọng các nhóm cụ thể trong khâu sản xuất phim; phát hành, phổ biến phim và phát triển thị trường điện ảnh; bảo vệ quyền tác giả và bản quyền tác phẩm điện ảnh; quảng bá , xúc tiến phát triển điện Việt Nam,…

Theo TS.Ngô Phương Lan, điện ảnh là ngành có thế mạnh hợp tác quốc tế sâu rộng, và chỉ hợp tác mới có thể phát triển, hơn nữa, quảng bá điện ảnh luôn gắn với quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam và gắn với quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam và gắn với quảng bá du lịch, ẩm thực, thời trang, thủ tục mỹ nghệ,.. Vì vậy, cần các nhóm chính sách toàn diện quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh chứ không chỉ tập trung vào quản lý các liên hoan phim, giải thưởng, tuần phim và thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh như dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi. Theo đó, cần tạo điều kiện cở mở và có cơ chế khuyến khích các tổ chức cá nhân, các hiệp hội xã hội nghề nghiệp,… quảng bá phim ảnh, bối cảnh quay phim, điều kiện thuận lợi quay phim và hợp tác làm phim tại Việt Nam ra quốc tế bằng nhiều  hình thức linh hoạt và hiệu quả.

Góp ý trực diện vào các điều, khoản của Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, Nghệ sỹ ưu tú, Đạo diễn Bùi Trung Hải đề nghị: Điều 3, phần 2: “Phim….được ghi trên các chất liệu hoặc phương tiện kỹ thuật số….”, sự chú trọng về phim kỹ thuật số trong chú giải Luật Điện ảnh cần phải chú ý cân đối lại. Lý giải về đề xuất này,  Đạo diễn Bùi Trung Hải cho rằng, thực tế cho thấy sản xuất phim hiện nay, đặc biệt ở Mỹ, song song tồn tại trên 2 nền tảng là phim kỹ thuật số và phim nhựa chất lượng cao.

Ngoài ra, Đạo diễn Bùi Trung Hải cũng kiến nghị, Điều 14 và Điều 44 về hợp tác sản xuất phim với nước ngoài nên có sự liên kết giữa 2 điều, hoặc gộp thành một điều để có thể liên kết thông tin chặt chẽ hơn. Các quy định ở Điều 44 còn khá chung chung, chưa cụ thể, cần có hướng dẫn chi tiết hơn. Trong khi đó, nhiều điều khoản khuyến khích, ưu đãi về chi phí, thuế, chưa từng được áp dụng tại Việt Nam. Vì vậy, cần hướng dẫn cụ thể hơn mới có thể thu hút được các hãng phim nước ngoài hợp tác sản xuất phim ở Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, một số ý kiến đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể, góp ý sửa đổi đối với các quy định về công tác lưu trữ phim; quảng cáo phim; hợp tác sản xuất phim; quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh;… của Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông

Phát biểu tại hội thảo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Luật Điện ảnh (sửa đổi) là dự án luật lớn có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa chung, thu hút sự quan tâm góp ý của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực điện ảnh trong nước và quốc tế. Mục tiêu sửa đổi luật nhằm khắc phục những hạn chế của Luật Điện ảnh hiện hành đồng thời tạo cơ sở vững chắc xây dựng nền điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, tiên tiến và hiện đại.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa các vấn đề hội thảo đặt ra nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất của dự án luật đáp ứng các yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu thế hội nhập.

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp TS.Nguyễn Văn Hiển cho biết, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm hội thảo đã hoàn thành chương trình đề ra. Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp khẳng định đây là nguồn thông tin, luận cứ khoa học quan trọng phục vụ hữu hiệu cho công tác hoàn thiện, thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra vào tháng 9/2021). Nội dung của hội thảo cũng sẽ được Viện Nghiên cứu lập pháp cung cấp tới các đại biểu Quốc hội làm tài liệu tham khảo trong quá trình xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.

Lê Anh