TỌA ĐÀM GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

06/04/2022

Nhằm cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong quá trình thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Viện Nghiên cứu lập tổ chức Tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)” vào chiều 6/4, tại Hà Nội. TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Tọa đàm.

 

Toàn cảnh Tọa đàm

Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Tổng hội Y học Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Bộ Y tế,… theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS.Nguyễn Văn Hiển cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23/11/2009. Sau hơn 11 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện Luật đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Do đó, việc nghiên cứu sửa đổi Luật khám bệnh, chữa bệnh lần này là rất cần thiết.

Nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, … TS.Nguyễn Văn Hiển đề nghị các chuyên gia góp ý trực tiếp vào 4 nhóm chính sách lớn của dự thảo Luật: (1) Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; (2) Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; (3) Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; (4) Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Bên cạnh đó, TS.Nguyễn Văn Hiển cũng lưu ý các chuyên gia cho ý kiến về 2 nhóm vấn đề đang được Chính phủ trình xin ý kiến liên quan đến: Thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề; Sử dụng ngôn ngữ của người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.

TS.Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp 

Thảo luận tại Tọa đàm, các chuyên gia đều tán thành với sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, việc ban hành Luật nhằm tăng cường công tác quản lý người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm bảo đảm cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng cao cho cộng đồng, thể chế hóa các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc hội nhập quốc tế về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và tăng cường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đánh giá dự thảo Luật lần này đã có nhiều thay đổi, khắc phục được những hạn chế, bất cập của dự thảo lần trước, đồng thời cập nhật những vấn đề mới phát sinh trong thời gian gần đây, các chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cấp giấy phép hành nghề trong khám bệnh, chữa bệnh; quy định về các mô hình khám bệnh, chữa bệnh và đánh giá chất lượng khám chữa bệnh; giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; hình thức tổ chức và phân tuyến cơ sở khám, chữa bệnh;….

TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký -Tổng hội Y học Việt Nam 

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký -Tổng hội Y học Việt Nam nên bổ sung quyền của người bệnh được khiếu nại đối với những sai sót về chất lượng dịch vụ, hay về thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Đây là một trong những quyền của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Vì vậy cần thừa nhận khiếu nại là quyền của người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh.

“Quyền khiếu nại của người bệnh phải được tiếp cận theo hướng là căn cứ phát sinh tranh chấp trong khám, chữa bệnh chứ không phải là khiếu nại hành chính và được giải quyết theo thủ tục khiếu nại, tố cáo. Do vậy cần cân nhắc, xem xét bổ sung nội dung này vào quyền của người bệnh.”, Ts. Bs. Trương Hồng Sơn đề xuất.

Liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, TS.BS Cao Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, nội dung này rất thiết thực, đặc biệt qua những bài học kinh nghiệm triển khai hỗ trợ/hội chẩn chữa bệnh từ xa trong bối cảnh dịch bệnh thời gian qua. Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc nhất là việc kê đơn thuốc cho người bệnh từ khi thực hiện khám chữa bệnh từ xa chưa được thực hiện, do đó cần tách bạch rõ việc khám bệnh và kê đơn thuốc để dễ thực hiện.

Về hình thức tổ chức và việc phân tuyến cơ sở khám, chữa bệnh, TS.Khương Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Y tế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Việt Nam cũng đang phân cấp cơ sở khám chữa bệnh thành 4 tuyến. Trong đó, tuyến huyện và trạm y tế xã được coi là tuyến y tế cơ sở trong đó chức năng cốt lõi là cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và cơ bản, cách phân cấp này cũng khá tương đồng với quốc tế. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất và cần phải được quan tâm và đưa vào các Luật là Việt Nam đang thiếu các quy định trong việc kiểm soát vượt tuyến, chuyển tuyến bất hợp lý cùng với việc phân hạng bệnh viện được áp dụng chung cho tất cả các tuyến trong đó cho phép các bệnh viện tuyến huyện (cấp 2) vẫn có thể trở thành bệnh viện tuyến 3 (Hạng 1). Điều này cùng với chính sách tự chủ bệnh viện, thông tuyến bảo hiểm y tế dẫn đến phá vỡ mục tiêu phân tuyến khám chữa bệnh.

“Cần bổ sung quy định cụ thể về quy định mang tính nguyên tắc của chuyển tuyến, chuyển cấp khám chữa bệnh cũng như phạm vi thu dung khám, chữa bệnh của từng cấp. Nếu không kèm theo các quy định này thì việc phân cấp khám bệnh, chữa bệnh đơn thuần sẽ không còn ý nghĩa và không có cơ sở kiểm soát hiệu quả của toàn bộ hệ thống khám bệnh, chữa bệnh”, TS. Khương Anh Tuấn nêu kiến nghị.

Cũng tại tọa đàm, các chuyên gia còn đề nghị cần tách riêng nội dung chẩn đoán bệnh với nội dung chỉ định phương pháp chữa bệnh và kê đơn thuốc; Làm rõ ràng, minh bạch nguồn tài chính trong dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cho từng chủ thể cung cấp dịch vụ, đảm bảo sự công bằng; Thể hiện rõ cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo nguyên tắc khoa học, độc lập, khách quan;…

Kết luận Tọa đàm, TS.Nguyễn Văn Hiển Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận, phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học. Khẳng định đây là dự án luật dự án luật khó, phức tạp, có tính chuyên môn sâu, TS.Nguyễn Văn Hiển cho biết, kết quả của tọa đàm sẽ được Viện tổng hợp, xây dựng báo cáo đầy đủ, toàn diện nhằm cung cấp thông tin phục vụ việc cho ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 4/2022).

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Tọa đàm:

Tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)” nhằm cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan trong quá trình thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

TS.BS Cao Thị Thanh Thủy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng,khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa là nội dung rất thiết thực. Tuy nhiên, khó khăn vướng mắc nhất là việc kê đơn thuốc cho người bệnh từ khi thực hiện khám chữa bệnh từ xa chưa được thực hiện, do đó cần tách bạch rõ việc khám bệnh và kê đơn thuốc để dễ thực hiện.

TS.Khương Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách Y tế, Bộ Y tế đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể về quy định mang tính nguyên tắc của chuyển tuyến, chuyển cấp khám chữa bệnh cũng như phạm vi thu dung khám, chữa bệnh của từng cấp

TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phân tích thực trạng khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể

TS. BS Hoàng Thu Thủy nêu những vấn đề đặt ra đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật

TS.Nguyễn Huy Quang góp ý hoàn thiện quy định về các mô hình khám bệnh, chữa bệnh và đánh giá chất lượng khám chữa bệnh

TS.Nguyễn Văn Hiển Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận, phát biểu của các chuyên gia, nhà khoa học. Khẳng định đây là dự án luật dự án luật khó, phức tạp, có tính chuyên môn sâu, TS.Nguyễn Văn Hiển cho biết, kết quả của tọa đàm sẽ được Viện tổng hợp, xây dựng báo cáo đầy đủ, toàn diện nhằm cung cấp thông tin phục vụ việc cho ý kiến đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tháng 4/2022)./.

Lê Anh - Minh Thành