VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP PHỐI HỢP TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

09/03/2023

Sáng 09/3, tại Hà Nội, nhằm góp phần bổ sung thêm những luận điểm khoa học để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc UBTVQH, Trường Đại học Luật Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quỹ Hòa Bình và Phát triển Việt Nam phối hợp đồng tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT, LÀM RÕ QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN TÀI CHÍNH ĐẤT ĐAI BẢO ĐẢM TÍNH KHẢ THI

VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP PHỐI HỢP CÙNG HỘI LUẬT GIA VIỆT NAM TỔ CHỨC HỘI THẢO GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Hội thảo 

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.

Tham dự Hội thảo có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy; TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện của UBTVQH Hoàng Anh Công; Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện của UBTVQH Lưu Bình Nhưỡng; đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; các vị ĐBQH một số tỉnh/thành phố; Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; đại diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Quỹ Hòa Bình và Phát triển Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học;...

TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc TS. Đoàn Trung Kiên nêu rõ, ngoài Hiến pháp thì Luật Đất đai là đạo luật nhận được sự quan tâm rộng khắp của mọi tầng lớp nhân dân, từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp, hợp tác xã đến các hộ gia đình, cá nhân từ thành thị đến nông thôn, ... Đồng thời tác động của đất đai, chính sách, pháp luật đất đai đến chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế và xã hội cũng vô cùng mạnh mẽ.

Khẳng định việc Quốc hội và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là chủ trương hết sức đúng đắn và cần thiết, TS. Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh, Hội thảo là sinh hoạt học thuật có ý nghĩa nhằm góp phần bổ sung thêm những luận điểm khoa học để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

 Nhìn nhận ở nhiều góc độ, đa chiều 

Gợi ý nội dung góp ý tại Hội thảo, PGS.TS Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho biết, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 sau gần 10 năm thi hành, có thể thấy công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai,... Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện pháp luật chưa nghiêm; việc tiếp cận đất đai còn bất cập;...

PGS.TS Hà Hùng Cường cũng nhấn mạnh, chính sách đổi mới công tác quản lý đất đai được ghi nhận trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước như :Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế, ... Đặc biệt, Nghị quyết về số 18-NQ/TW với 05 quan điểm, 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn trong hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về đất đai và tổ chức thực thi pháp luật về đất đai. Đây là định hướng chính trị quan trọng đã được Chính phủ xác định trong sửa đổi Luật đất đai lần này.

PGS.TS Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam 

Theo PGS.TS Hà Hùng Cường ngoài việc lấy ý kiến toàn bộ dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày, việc lấy ý kiến cần được tập trung vào một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Phát triển quỹ đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, ... Đây đều là những vấn đề phát sinh nhiều bất cập trong những năm qua, đồng thời dự thảo cũng đề cập đến nhiều nội dung mới, có ảnh hưởng lớn đến quan hệ pháp luật đất đai trong thời gian tới, cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ, đa chiều để có được những quy định pháp luật đất đai thực sự hiệu quả, hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia và góp phần phát triển thị trường quyền sử dụng đất một cách lành mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học góp ý toàn diện vào những nội dung trọng tâm tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: Kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; quy định về tài chính đất đai, phương pháp định giá đất; quy định về điều kiện tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;...

Cần quy định một số tổ chức thành viên Mặt trận TQVN có quyền tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai

Cho ý kiến tại Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi có 9 điều liên quan đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong đó có ba điều hoàn toàn mới (Điều 68, 84 và 156).

Nhận định về cơ bản những chủ trương quan điểm của Đảng trong Nghị quyết só 18-NQ/TW về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã được cơ quan soạn thảo nghiên cứu để thể chế hóa vào dự thảo lần này, TS. Nguyễn Văn Pha cho rằng, còn một số nội dung cần được bổ sung và cụ thể hóa hơn để phát huy được vai trò thực chất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên Mặt trận trong việc giám sát, tham vấn ý kiến người dân về quản lý, sử dụng đất.

TS. Nguyễn Văn Pha đề nghị, Điều 20 dự thảo Luật cần quy định ngoài Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì cần có một số tổ chức thành viên có quyền tham gia xây dựng, phản biện chính sách pháp luật về đất đai; cho ý kiến đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc quy định thêm các đối tượng này sẽ tạo thêm sức mạnh cho hệ thống Mặt trận, để sự tham gia của khối Mặt trận vào các hoạt đọng quản lý, sử dụng đất đai của nhà nước thực sự có chất lượng, tránh hình thức.

Ngoài ra, khái niệm “các tổ chức đại diện” (Điều 219) khá rộng và đa nghĩa, có thể bị vận dụng sai trong thực tiễn, gây khó dễ cho chính quyền cũng như các cơ quan hữu quan, vì vậy đề xuất quy định rõ là “tổ chức đại diện hợp pháp”;…

 TS. Nguyễn Văn Pha, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

Cân nhắc có lộ trình áp dụng giá đất sát với giá thị trường

Liên quan đến các quy định về tài chính đất đai, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, đã có nhiều đổi mới nổi bật trong Dự thảo, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung còn chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đảm bảo tính thống nhất, khoa học.

Nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng nhất, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan và cũng là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị: Bổ sung các khái niệm liên quan đến giá đất có thể phát sinh trong thực tế, chuẩn hóa các thuật ngữ như “giá đất phổ biến trên thị trường/giá đất chuẩn, bảng giá đất, thửa đất chuẩn, giá đất cụ thể,..” để nhất quán cách hiểu và áp dụng; Bổ sung mục đích điều tiết nguồn thu từ đất bao gồm cả việc phục vụ “công tác thu hồi đất, tái định cư,…”;

Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng đề nghị, cân nhắc có lộ trình áp dụng giá đất sát với giá thị trường; bổ sung quy định chi tiết hơn về quyền và trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá, chuyên gia định giá đất;…

TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế 

Cũng tại Hội thảo, liên quan đến quy định về đất thương mại, dịch vụ, TS.LS Đoàn Văn Bình cho rằng, pháp luật đất đai hiện hành điều chỉnh đối với loại đất này bộc lộ nhiều khoảng trống, không phù hợp nên chưa phát huy hết được tiềm năng và thế mạnh trong khai thác và sử dụng đất thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, tại Dự thảo (sửa đổi) chưa dành sự quan tâm thích đáng để khắc phục những hạn chế hiện nay.

Góp ý vào các điều khoản cụ thể, TS. LS Đoàn Văn Bình đề nghị: Bổ sung thêm khoản 8 vào Điều 5 Dự thảo nội dung: Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được mua và sở hữu nhà ở, công trình xây dựng theo pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản”; bỏ quy định về điều kiện bán tài sản trên đất thuê trả tiền hàng năm quy định tại Điều 50 Dự thảo; quy định điều kiện bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm giống như trường hợp bán tài sản gắn liền với đất giao và đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê;…

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học còn đề xuất nhiều nội dung cụ thể liên quan trực tiếp tới quy định tại Dự thảo về: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nha nước thu hồi đất; tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh; quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của chủ thể có yếu tố nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam;…

Phát biểu bế mạc, TS. Đoàn Trung Kiên cho biết, với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp chất lượng từ những vấn đề có tính chất vĩ mô nhưng cũng rất cụ thể như kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho đến những vấn đề liên quan thiết thực đến mọi tổ chức, cá nhân như cơ chế giao đất, cho thuê đất, tài chính đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đấy hay việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, của chủ thể có yếu tố nước ngoài,...

Ghi nhận các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện tinh thần cống hiến, tri thức khoa học cả về lý luận và thực tiễn, TS. Đoàn Trung Kiên nhấn mạnh, kết quả của Hội thảo sẽ được các đơn vị đồng tổ chức  Hội thảo tổng hợp khách quan, đầy đủ gửi đến cơ quan lập pháp và các cơ quan có liên quan nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai mang tính chặt chẽ, khả thi cao./.

Lê Anh