ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ CỦA QUỐC HỘI

21/10/2023

Tại Hội thảo “Quốc hội Việt Nam - 80 năm đổi mới và phát triển về hoạt động giám sát” do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào chiều 21/10, các đại biểu dành nhiều sự quan tâm đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát chuyên đề. Các đại biểu đề nghị trong thời gian tới cần đánh giá tổng thể việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát, chú trọng các giải pháp sửa đổi phù hợp.

HỘI THẢO QUỐC HỘI VIỆT NAM - 80 NĂM ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN VỀ HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Toàn cảnh hội thảo

Đổi mới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động luôn luôn là nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan, tổ chức, trong đó có Quốc hội. Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã ghi rõ: Tiếp tục xác định việc đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây vừa là yêu cầu khách quan để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội, vừa là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội, thể hiện quyền lực của cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thời gian qua, hoạt động giám sát chuyên đề đã được các cơ quan của Quốc hội tiến hành thực hiện ngày càng nhiều hơn cùng với quá trình đổi mới, nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và được dần hoàn thiện cả về cơ sở pháp lý, nội dung và phương thức tiến hành, đem lại kết quả ngày càng thiết thực hơn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển điều hành thảo luận tại hội thảo

Thực hiện các quy định Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, hang năm Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết về Chương trình giám sát, hiện nay, việc triển khai các hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tổ chức bài bản, khoa học và chặt chẽ, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao.

Các Đoàn giám sát đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tiến hành giám sát, có sự đổi mới mạnh mẽ về cách thức tổ chức giám sát như: phối hợp chặt chẽ với Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương và các cơ quan có liên quan khác; khai thác tối đa thông tin, dữ liệu từ kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, ý kiến phản biện, kiến nghị giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể về các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát; tăng cường huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn trong quá trình giám sát. Nhờ đó, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tích cực cho hoạt động lập pháp của Quốc hội và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo

Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật PGS.TS Lê Minh Thông nêu rõ kể từ khi có Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đến nay, hoạt đông giám sát của Quốc hội đã phát triển lên tầm cao mới với nhiều thành tựu và trở thành một trong những yếu tố làm nên thương hiệu của Quốc hội.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện TS.Lưu Bình Nhưỡng cho rằng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV ghi dấu với nhiều đổi mới, hoạt động giám sát sôi động, thu hút sự quan tâm của người dân. Hoạt động giám sát của Quốc hội đã thể hiện rõ tinh thần như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh là giám sát tập trung toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, cá thể hóa được trách nhiệm tập thể, cá nhân, chỗ nào tốt thì biểu dương, chỗ nào làm chưa đến nơi đến chốn, làm sai thì xem xét trách nhiệm, phải kiến nghị xử lý được những vấn đề trong hệ thống pháp luật, chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện.

TS.Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện

Quốc hội đã tiến hành giám sát với nhiều chuyên đề bám sát với tình hình kinh tế - xã hội đời sống của người dân như tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội  về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội PGS.TS Lê Bộ Lĩnh cũng đặt vấn đề về hiệu quả của các chuyên đề giám sát. Đây cũng là vấn đề được Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan đề cập.

Thực tế, hoạt động giám sát chuyên đề chủ yếu vẫn dựa trên việc xem xét báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, thông tin từ các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu, hoạt động độc lập chưa nhiều. Kiến nghị của Đoàn giám sát trong một số trường hợp chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan. Nội dung kiến nghị giám sát của các cơ quan còn chung chung, không nêu thời hạn thực hiện cụ thể, dẫn tới khó khăn trong việc xác định, đánh giá chính xác việc thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát chưa thường xuyên, đồng bộ.

TS.Đinh Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc 

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan nêu rõ, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân chưa quy định cụ thể về cơ chế, biện pháp xử lý trách nhiệm trong trường hợp đối tượng giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị của Đoàn giám sát. Những tồn tại, hạn chế này làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát chuyên đề.

Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật PGS.TS Lê Minh Thông nêu rõ một trong những mục tiêu của giám sát là thông qua hoạt động giám sát là kịp thời phát hiện hạn chế, bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật nhưng thực tế có rất ít đạo luật được sửa đổi, bổ sung xuất phát từ kết quả giám sát.

Cùng với đó, hiện nay những vấn đề giám sát trọng tâm như giám sát nhân sự mới dừng ở giải trình việc thực hiện chính sách và chất vấn, mà thiếu trả lời về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, công tác quản lý hay giám sát ngân sách hiện nay hiệu quả không cao, quy trình phê chuẩn dự toán, quyết toán còn mang tính hình thức.

PGS.TS Lê Minh Thông - Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Trước những vấn đề nêu trên, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học kiến nghị đã đến lúc tổng kết toàn diện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để có đề xuất sửa đổi luật phù hợp, gắn giám sát của Quốc hội với kiểm soát quyền lực nhà nước, thể chế hóa nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW; đồng thời, tiếp tục có nhiều tọa đàm để thống nhất về mặt lý luận về giám sát tối cao của Quốc hội, thống nhất hệ quả pháp lý của hoạt động giám sát, có nghị quyết giám sát làm cơ sở xác định trách nhiệm của các chủ thể chịu sự giám sát; triển khai các công cụ giám sát của Quốc hội như Ủy ban lâm thời của Quốc hội, cơ chế bảo hiến, tận dụng tốt hơn kết quả kiểm toán…

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển ghi nhận các ý kiến trao đổi, thảo luận tại của các đại biểu, các chuyên gia nhà khoa học sâu sắc, phân tích nhiều khía cạnh của hoạt động giám sát, qua đó đã gợi mở nhiều vấn đề liên quan cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ. Các chuyên gia đã đánh giá thực tiễn hoạt động giám sát, nhận thấy hạn chế trong hoạt động giám sát của Quốc hội là thiếu các công cụ hỗ trợ…trên cơ sở đó, các chuyên gia đề ra nhiều giải pháp, kiến nghị.

Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp Nguyễn Văn Hiển 

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp đầy đủ, chắt lọc các ý kiến để đưa vào báo cáo hội thảo và đề tài, trong đó có các kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các luật có liên quan.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Toàn cảnh hội thảo

GS.TS. Trần Ngọc Đường - Nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu

GS.TS Võ Khánh Vinh – Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Ủy viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội 

TS.Ngô Đức Mạnh - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phát biểu

Th.S Đặng Đình Luyến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

TS. Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội

PGS.TS Bùi Xuân Đức – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và NCKH Mặt trận kiêm Viện trưởng Viện NCKH Mặt trận

Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo.

Bảo Yến - Nghĩa Đức