Với mục tiêu tìm hiểu kinh nghiệm về hoạt động Nghị viện, về chế độ lao động, vai trò của công đoàn, về công tác phòng chống tham nhũng, Đoàn đã gặp gỡ, trao đổi với đại diện các đơn vị liên quan của Văn phòng Thượng viện, Văn phòng Hạ viện; các chuyên gia và nhà quản lý của Tổ chức minh bạch quốc tế Đức (TI), Bộ lao động và xã hội liên bang (BMAS), Liên hiệp công đoàn dịch vụ (VER.DI), Nhóm đối thoại Luật lao động (RLS). Đoàn còn có cuộc trao đổi với Chánh án Tòa án lao động Berlin, Công tố viên trưởng, Vụ trưởng Vụ chống tham nhũng của Viện công tố cấp cao Berlin.
Qua các cuộc làm việc, Đoàn đã được cung cấp thông tin về hoạt động của Nghị viện Đức (Thượng viện và Hạ viện), cơ chế kiểm soát quyền lực trong chính thể đại nghị; về thể chế và các thiết chế tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng nói chung cũng như cơ chế và các biện pháp cụ thể để ngăn ngừa, xử lý các hành vi tham nhũng; quan niệm về phòng chống tham nhũng và hiệu quả các biện pháp phòng chống tham nhũng của Đức (chế độ đãi ngộ hợp lý; bộ máy tư pháp độc lập và trong sạch…). Đoàn cũng được giới thiệu về các quy định chế độ đối với người lao động Đức (tiền lương, đào tạo lao động, quyền của người lao động, chế độ nghỉ hưu, quỹ lương hưu, chế độ đối với lao động nữ…); vai trò của công đoàn khi xảy ra tranh chấp giữa người lao động và giới chủ cũng như sự cạnh tranh giữa các tổ chức công đoàn để mở rộng uy tín và hoạt động của mình. Đoàn cũng có thời gian tìm hiểu về quy trình thụ lý hồ sơ và xét xử các vụ án về lao động, về vai trò của hòa giải trong các vụ án về lao động.
Đánh giá về chuyến nghiên cứu, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp và Quỹ Rosa đều khẳng định những nội dung Đoàn tìm hiểu là thiết thực, hữu ích đối với công tác nghiên cứu, phục vụ hoạt động của Quốc hội Việt Nam, đồng thời cũng gợi mở những triển vọng hợp tác tiếp theo giữa hai cơ quan trong giai đoạn sắp tới.