Tại chương 1, đề tài đã đi vào phân tích cơ sở lý luận và thực trạng chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số. Trong đó, đã làm rõ các khái niệm về dân tộc, dân tộc thiểu số, phương pháp tiếp cận chuẩn đói nghèo; quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc và giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số; hệ thống chính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay ở nước ta.
Chương 2 của đề tài tập trung làm rõ thực trạng kinh tế - xã hội của vùng dân tộc thiểu số và kết qủa thực hiện chính sách giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đánh giá việc thực hiện chính sách, đề tài đã chỉ ra những thành quả đã đạt được và cả những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục. Bên cạnh những kết quả đạt được, đề tài cho rằng kết quả giảm nghèo còn thiếu tính bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao; các chính sách chưa nhằm nâng cao năng lực tự thoát nghèo cho người nghèo; mục tiêu giảm nghèo chủ yếu là về thu nhập, chưa chú trọng giảm nghèo đa chiều; ngân sách phân bổ chưa tương xứng giữa đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh tạo thu nhập cho người nghèo; nguồn lực thực hiện chưa đảm bảo, thiếu chủ động… Đề tài cũng phân tích làm rõ các nguyên nhân của những bất cập nói trên, cụ thể: nguyên nhân từ chính sách pháp luật như sự chồng chéo về chính sách, hoặc chính sách không phù hợp, chưa bao quát hết đối tượng, phạm vi cần hướng đến; nguyên nhân từ cơ chế thi hành chính sách như: chưa rõ ràng trong phân công, phân nhiệm, bộ máy thực thi cồng kềnh, giám sát thiếu hiệu quả, nhân lực chưa đủ khả năng; nguyên nhân từ chủ thể tiếp cận chính sách như: tâm lý ỷ lại, nhận thức chưa cao hoặc tập quán, thói quen chưa tốt của người dân…
Trên cơ sở nghiên cứu về lý luận và thực tiễn, chương 3 của đề tài đã nghiên cứu, đề xuất phương hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số phù hợp với Hiến pháp 2013. Đề tài đã đưa ra 5 định hướng xây dựng chính sách giảm nghèo gồm: mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và phát triển thiên niên kỷ; đảm bảo giảm nghèo bền vững; tiếp tục tạo cơ hội nhiều hơn cho người nghèo; chuyển dần từ hỗ trợ theo chương trình, dự án sang phát triển mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo; đảm bảo sự đồng bộ của chính sách. Đề tài cũng đề xuất nội dung và nhiệm vụ chủ yếu của chính sách giảm nghèo trên các mặt: kinh tế, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin. Đề tài đưa ra những kiến nghị cụ thể đối với việc sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật có liên quan đến chính sách, pháp luật về giảm nghèo; đề xuất việc xây dựng luật về lĩnh vực dân tộc và xây dựng, hoàn thiện đề án thực hiện khoản 5 Điều 70 Hiến pháp 2013: “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”; đồng thời nêu lên nhiều giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật giảm nghèo đối với dân tộc thiểu số.