Đề tài đã làm rõ những vấn đề lý luận về chế độ bầu cử như khái niệm bầu cử, chế độ bầu cử, vai trò của bầu cử, mối quan hệ giữa bầu cử và đảng chính trị, tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện của chế độ bầu cử, chế độ bầu cử ở một số nước trên thế giới. Ngoài các nguyên tắc bầu cử, đề tài đã phân tích 8 nội dung cụ thể của chế độ bầu cử: tiêu chuẩn ứng cử; cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu; tự ứng cử; hiệp thương bầu cử; đơn vị bầu cử; phụ trách bầu cử; xác định kết quả bầu cử và bầu cử thêm, bầu cử lại, bầu cử bổ sung. Đồng thời, đề tài đã đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến chế độ bầu cử là thể chế chính trị, yếu tố dân chủ và các yếu tố kinh tế - xã hội.
Chương 2 của đề tài đã phân tích, đánh giá thực trạng chế độ bầu cử ở nước ta. Theo Ban chủ nhiệm đề tài, pháp luật về chế độ bầu cử ở nước ta có thể phân thành 4 giai đoạn gắn liền với 4 bản Hiến pháp (1946, 1950, 1980 và 1992). Mỗi giai đoạn có những đặc điểm khác nhau. Về thực trạng chế độ bầu cử hiện nay, qua việc đánh giá 10 nội dung có liên quan đến pháp luật về bầu cử và thực tiễn triển khai thực hiện, đề tài đã chỉ ra những hạn chế trong việc quy định về tiêu chuẩn đại biểu; về quá trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; các cơ quan phụ trách bầu cử; vận động bầu cử; tình trạng bầu hộ, bầu thay...
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu đạt được cả về lý luận và thực tiễn, phân tích những yêu cầu đặt ra từ việc triển khai Hiến pháp 2013, chương 3 của đề tài đã nêu ra 3 quan điểm, yêu cầu hoàn thiện chế độ bầu cử: (i) Xuất phát từ quan điểm của Đảng về xây dựng và phát huy dân chủ XHCN; (ii) Xuất phát từ những nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; (iii) Đáp ứng những thay đổi về cơ cấu xã hội hiện nay. Ban Chủ nhiệm đề tài đã kiến nghị 3 nhóm giải pháp là nhóm giải pháp chung về nhận thức lý luận; nhóm giải pháp về hoàn thiện pháp luật và nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện với rất nhiều kiến nghị cụ thể.
Các thành viên Hội đồng cho rằng, nghiên cứu về chế độ bầu cử tuy không mới nhưng vẫn là vấn đề có tính thời sự và thực sự có ý nghĩa khoa học. Đề tài đã đạt được những thành công nhất định cả về lý luận, thực tiễn và các giải pháp được đề xuất, có những gợi mở cần được tiếp tục kế thừa, nghiên cứu sâu hơn, có tính thuyết phục hơn để có thể áp dụng vào thực tiễn hoàn thiện pháp luật về bầu cử và tổ chức bầu cử ở nước ta hiện nay. Trên cơ sở ý kiến phản biện và kết luận của Hội đồng, đề tài cần được hoàn thiện thêm để nộp sản phẩm chính thức. Hội đồng nhất trí nghiệm thu, đánh giá đề tài đạt loại khá.