Nghiệm thu chính thức đề tài cấp bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo phù hợp với Hiến pháp”

21/07/2017

Ngày 13/7/2017, Viện nghiên cứu lập pháp đã tổ chức họp Hội đồng khoa học nghiệm thu chính thức đề tài cấp bộ: “Cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo phù hợp với Hiến pháp” do ông Hà Công Long, Phó Trưởng ban Dân nguyện làm Chủ nhiệm. Đây là đề tài thuộc khung chương trình nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội giai đoạn 2014 – 2016. Hội đồng khoa học do TS. Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp làm Chủ tịch đã đánh giá cao những kết quả nghiên cứu của đề tài. Hội đồng nghiệm thu nhất trí đánh giá xếp loại khá.

Đề tài gồm 3 chương. Ở chương 1, đề tài tập trung phân tích cơ sở lý luận về pháp luật khiếu nại, tố cáo. Trong đó, đề tài đã trình bày khái quát những vấn đề cơ bản của pháp luật khiếu nại, tố cáo và những nội dung cơ bản về hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Đề tài đã khẳng định vai trò quan trọng của pháp luật tố cáo đối với đời sống xã hội và việc hoàn thiện pháp luật về khiếu nại tố cáo là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo quyền hiến định của công dân và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, đề tài đã nghiên cứu về pháp luật khiếu nại, tố cáo một số nước trên thế giới, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Chương 2 nghiên cứu, đánh giá thực trạng pháp luật về khiếu nại, tố cáo của Việt Nam. Đề tài cho rằng tình hình khiếu nại tố cáo ở nước ta diễn biến rất phức tạp, xảy ra ở hầu hết các địa phương, xuất hiện nhiều khiếu nại vượt cấp, đông người; nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhà ở, xây dựng, lao động, thương binh và xã hội, tư pháp. Đề tài nhận định công tác chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu quyết liệt, chưa toàn diện, thiếu kiểm tra, đôn đốc; chất lượng giải quyết chưa cao, còn chậm trễ, thậm chí có nơi còn bao che vi phạm, thiếu trách nhiệm; hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, tồn tại, chưa theo kịp thực tiễn quản lý... Nguyên nhân dẫn tới sự tồn tại này là do sự yếu kém về năng lực của các cơ quan quản lý; sự hạn chế trong phối hợp hoạt động giữa các cấp, các ngành, các địa phương; sự phức tạp trong cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhiều quy định pháp luật về cơ chế, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo chưa được hoàn thiện; nhiều quy định pháp luật nhằm đảm bảo thực hiện pháp luật khiếu nại, tố cáo chưa được ban hành như: Luật đối thoại dân chủ, Luật thực hành dân chủ ở cơ sở; nhiều luật có liên quan chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn như Luật tiếp công dân, Luật thanh tra; công tác phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn bỏ ngỏ…

Chương 3 của đề tài đã đưa ra những phương hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo phù hợp với Hiến pháp 2013. Đề tài cho rằng, hoàn thiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo phải đáp ứng các yêu cầu sau: bảo đảm và phát huy quyền con người, quyền công dân; bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, đề tài đã đưa ra các giải pháp và kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo phù hợp với Hiến pháp 2013 như: hoàn thiện pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của công dân; hoàn thiện pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo; hoàn thiện quy định pháp luật về xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại; hoàn thiện pháp luật về tiếp công dân; hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi cho người khiếu nại, tố cáo.

Trung tâm TTKHLP

 

 

Các bài viết khác