VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP: ĐỔI MỚI MẠNH MẼ VỀ PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG - ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NGÀY CÀNG CAO CỦA QUỐC HỘI

29/12/2022

Năm 2022, Viện Nghiên cứu lập pháp đã hoàn thành tốt, đúng tiến độ kế hoạch công tác được đặt ra, góp phần vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội. Chia sẻ về những kết quả nổi bật trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, chỉ có đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội.

GS.TS VƯƠNG ĐÌNH HUỆ - CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, DỰ CÔNG BỐ NGHỊ QUYẾT CỦA UBTVQH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội​, trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển

Năm 2022, là năm đầu tiên Viện Nghiên cứu lập pháp thực hiện Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 ngày 29/9/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp - năm đầu tiên Viện Nghiên cứu lập pháp thực hiện rất nhiều chức năng, nhiệm vụ chuyên môn mới, cơ chế tài chính và các điều kiện bảo đảm khác được quy định rõ ràng, được tháo gỡ, cơ bản được áp dụng thực hiện có hiệu quả trên thực tế; tổ chức bộ máy bên trong được cơ cấu, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; công tác nhân sự cơ bản được kiện toàn; chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được bảo đảm. Môi trường và mối quan hệ công tác của Viện Nghiên cứu lập pháp dần đi vào ổn định, khơi dậy tinh thần đoàn kết nội bộ, hợp tác và chia sẻ lẫn nhau tạo động lực tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trong không khí của những ngày cuối năm, nhìn lại kết quả triển khai nhiệm vụ năm 2022, TS. Nguyễn Văn Hiển cho biết, Viện Nghiên cứu lập pháp đã đã hoàn thành tốt, đúng tiến độ kế hoạch công tác được đặt ra. Trong đó, một số kết quả nổi bật như: thực hiện tốt trên 10 nhiệm vụ chính trị do Lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; thực hiện 54 chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu về các dự án luật phục vụ cho kỳ họp thứ 3, thứ 4 của Quốc hội khóa XV và các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội,… Đồng thời, nhấn mạnh, Viện Nghiên cứu lập pháp xác định chỉ có đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội.

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Phóng viên: Năm 2022, là năm đầu tiên Viện Nghiên cứu lập pháp thực hiện Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vậy, sau một năm triển khai, Viện Nghiên cứu lập pháp đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa Viện trưởng?

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp: Nghị quyết số 05 /2021/UBTVQH15 được ban hành từ tháng 9/2021 và đến nay là hơn một năm Viện triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Nghị quyết mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Có thể nói, ngay khi Nghị quyết được ban hành, Viện Nghiên cứu lập pháp đã khẩn trương xây dựng các quy chế làm việc, các văn bản để triển khai Nghị quyết quan trọng này. Sau đó, Viện đã khẩn trương  kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại nhân sự, đặc biệt đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, lãnh đạo Quốc hội quan tâm bổ nhiệm thêm 01 Phó Viện trưởng. Với bộ máy như vậy, Viện bắt tay vào guồng làm việc với 1 tâm thế hết sức vui mừng, phấn khởi. Hoạt động của Viện đã gắn liền, sát với hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là hoạt động lập pháp và hoạt động giám sát tối cao.

Trên cơ sở đó, năm 2022, Viện Nghiên cứu lập pháp đã đạt được những kết quả rất đáng vui mừng. Có thể kể đến những kết quả nổi bật như: Đã thực hiện tốt trên 10 nhiệm vụ chính trị do Lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; thực hiện 54 chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu về các dự án luật phục vụ cho kỳ họp thứ 3, thứ 4 của Quốc hội khóa XV và các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, tổ chức bảo vệ hàng chục Đề tài khoa học cấp bộ và xây dựng được các mạng lưới nhà khoa học với gần 400 nhà khoa học trên các lĩnh vực khác nhau; thông tin nghiên cứu lập pháp cũng đã xuất bản đều đặn thường kỳ 2 số/1 tháng theo đúng lộ trình.

Phóng viên: Thưa Viện trưởng, trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của công tác lập pháp, là cơ quan có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp để tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã có những đổi mới như thế nào trong hoạt động?

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp: Với số lượng biên chế không nhiều, hiện nay có 53 biên chế. Do đó, Viện xác định phải có đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội.

Với số lượng biên chế hiện có, Viện đã bắt tay sớm vào việc đào tạo và tự đào tạo cho cán bộ, đặc biệt là nghiên cứu viên, thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt với nhiệm vụ chính trị là theo sát vào quy trình lập pháp, các chuyên viên, nghiên cứu viên phải bám sát vào quy trình lập pháp để tự đào tạo. Ngoài ra, Viện xây dựng một mạng lưới chuyên gia, với gần 400 chuyên gia trên các ngành/lĩnh vực khác nhau và xây dựng một mạng lưới cộng tác với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo khác điển hình như với Hội Luật gia Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội, các cơ sở khoa học học khác,… Đồng thời, tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Các hội thảo, hội nghị của Viện NCLP trong nhiều trường hợp được tổ chức trực tuyến và huy động chuyên gia trong và ngoài nước, nhất là các chuyên gia là người Việt Nam đang học tập và công tác ở nước ngoài cũng như chuyên gia quốc tế có uy tín trên nhiều quốc gia tham gia vào hoạt động nghiên cứu.

Phóng viên: Viện nghiên cứu lập pháp có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Vậy, đâu là những nét đổi mới trong hoạt động quản lý khoa học trong năm 2022, thưa Viện trưởng?

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp: Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV có nhiều đổi mới, cụ thể: Việc thành lập Hội đồng khoa học có sự kết hợp rất tốt giữa các chuyên gia là các nhà khoa học đang công tác trong Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội và các chuyên gia uy tín trên các lĩnh vực khác nhau đang công tác ở các cơ quan bên ngoài Quốc hội.

Trong năm 2022, hoạt động của Hội đồng khoa học có nhiều khới sắc: Hội đồng khoa học đã cho ý kiến vào Danh mục các định hướng nghiên cứu khoa học cũng như Danh mục nhiệm vụ khoa học được triển khai hàng năm.

Bên cạnh đó, năm 2022, Hội đồng khoa học cũng đã trực tiếp tham gia cho ý kiến vào các dự án luật lớn như: dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và đặc biệt là góp ý vào Dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”;… Đây là những hoạt động rất lớn, có sự đóng góp thiết thực của các thành viên Hội đồng khoa học.

Ngoài ra, các thành viên Hội đồng khoa học cũng tham gia rất là trách nhiệm vào các hoạt động nghiên cứu cụ thể như: tham gia vào Hội đồng bảo vệ các đề tài, đề án do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức.

Phóng viên: Một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác lập pháp là kéo dài tuổi thọ văn bản luật, tránh tình trạng luật khung luật ống,… Vậy với chức năng nhiệm vụ được quy định, trong năm 2023 VNCLP sẽ dự kiến hoạt động gì để góp phần giải quyết, khắc phục những tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật?

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp: Viện Nghiên cứu lập pháp nhận thức đây là 1 yêu cầu rất cao của Quốc hội cũng như Đảng đang tập trung thực hiện tốt. Với vị trí, chức năng như quy định, Viện  nhận thức làm luật là 1 quy trình khoa học. Do vậy, các công đoạn làm luật từ việc đề xuất chính sách cho đến việc thẩm định, thẩm tra, xem xét và thảo luận và thông qua đều phải dựa trên các bằng chứng khoa học hết sức thuyết phục và điều này thì không thể không nhắc đến vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học.

Do vậy, với chức năng được quy đinh, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ luôn huy động tối đa các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia rất là sâu, rất sát với tinh thần “từ sớm, từ xa”.  Viện cũng đã chủ động xây dựng 1 kế hoạch rất chi tiết để thực hiện các nhiệm vụ thông qua xây dựng kế hoạch góp ý cho các dự án luật lớn, ví dụ như: Trong năm 2023, có những dự án luật đặc biệt quan trọng như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi),… đều là những dự án luật rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bởi vậy, ngay từ bây giờ, Viện Nghiên cứu lập pháp đã có kế hoạch hết sức chi tiết để tham vấn các chuyên gia trong hội thảo, tọa đàm hay tham vấn độc lập theo yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng như Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Viện trưởng!

Lê Anh - Thùy Linh

Các bài viết khác