01. Thực hiện Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 - Bước đột phá về tổ chức bộ máy
Sau gần 15 năm thành lập và phát triển, năm 2022, cơ cấu, tổ chức, hoạt động của Viện đã có bước chuyển mạnh mẽ, là dấu mốc lịch sử trên quá trình xây dựng và hoàn thiện bộ máy tổ chức của cơ quan nghiên cứu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Nghị quyết 05/2021/UBTVQH15 ngày 29/9/2021 được ban hành với nhiều quy định mới, có tính đột phá, tháo gỡ khó khăn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Viện Nghiên cứu lập pháp đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Nghị quyết tiếp tục khẳng định và bổ sung cụ thể hơn chức năng, nhiệm vụ của Viện. Theo đó, Viện có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp để tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; giúp UBTVQH quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH và Văn phòng Quốc hội. Đây được xem là bước đi cởi bỏ những nút thắt, vướng mắc lâu nay trong hoạt động của Viện.
Theo Nghị quyết số 05, tổ chức bộ máy và biên chế của Viện Nghiên cứu lập pháp tinh gọn hơn nhưng mạch lạc, chuyên sâu và mạnh mẽ hơn. Hiện Viện có 1 Viện trưởng, 02 Phó Viện trưởng, 5 đơn vị tương đương cấp vụ, 5 đơn vị cấp phòng. Tính đến 20/12/2022, Viện có 53 người trong biên chế và 03 hợp đồng, trong đó có 09 tiến sỹ; 34 thạc sỹ và số nhân sự còn lại hầu hết đều có trình độ cử nhân. Cán bộ, công chức, viên chức của Viện là những người giỏi chuyên môn, am hiểu hệ thống pháp luật Việt Nam, có tư duy khoa học, có khả năng thuyết trình và độc lập triển khai nghiên cứu...
02. Chuyển động trong hoạt động nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn đạt nhiều kết quả nổi bật
Năm 2022, hoạt động nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp phục vụ kỳ họp của Quốc hội/phiên họp của UBTVQH hoàn thành tốt kế hoạch đề ra. Việc nghiên cứu trên tinh thần chủ động, phục vụ “từ sớm, từ xa” hoạt động lập pháp của Quốc hội, theo sát các dự án luật từ khi soạn thảo cho đến khi Quốc hội thông qua.
Đây cũng là năm đầu tiên Viện Nghiên cứu lập pháp tham gia thực hiện hoạt động giám sát chuyên đề của UBTVQH; tổ chức 27 hội thảo/tọa đàm đóng góp ý kiến đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết; 19 hội thảo phối hợp với Ban Chủ nhiệm đề tài triển khai theo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; khoảng 200 lượt chuyên gia tham gia viết tham luận hội thảo/tọa đàm, đóng góp ý kiến phản biện đối với các nhiệm vụ nhiệm vụ khoa học; biên tập 01 kỷ yếu hội thảo; nghiên cứu, cung cấp 54 chuyên đề phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của UBTVQH.
Các nhiệm vụ được thực hiện nghiêm túc, bài bản, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu và đã nhận được sự ghi nhận, đánh giá tích cực trên phương diện chuyên môn, tính khoa học, tính phản biện và tính độc lập, khách quan, đóng góp vào việc xây dựng chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và hoạt động chung của Quốc hội.
03. Cập nhật, cung cấp thông tin khoa học hữu ích, sát yêu cầu
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Viện đã tập trung triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu bám sát các dự án luật. Việc triển khai nghiên cứu ở Viện được thực hiện theo quy trình bài bản, bảo đảm phân định, tách bạch nhiệm vụ nghiên cứu giữa các đơn vị trong Viện; góp phần nâng cao tính chuyên sâu, tránh trùng lắp và phân tán nguồn lực.
Công tác xây dựng và biên tập các chuyên đề được cải tiến theo hướng thu hút được ý kiến của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, người hoạt động thực tiễn, nhà quản lý giỏi về ngành, lĩnh vực tham gia nghiên cứu. Nội dung chuyên đề tập trung đi thẳng, trực tiếp vào các vấn đề cần nghiên cứu, các vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau về lý luận và thực tiễn trong các dự án luật trình UBTVQH, Quốc hội; luận giải, kiến nghị khi đưa ra phải bảo đảm khách quan, có cơ sở khoa học, mang tính thuyết phục cao.
Cũng trong năm 2022, Viện đã gửi đến lãnh đạo Quốc hội, UBTVQH nhiều tài liệu để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành; định hướng công tác xây dựng pháp luật cho nhiệm kỳ và hằng năm của Quốc hội; ý kiến chỉ đạo trong các phiên họp của UBTVQH về việc cho ý kiến dự án Luật do Chính phủ trình sang; công tác thẩm tra về dự thảo Luật; cung cấp chuyên đề nghiên cứu để phục vụ công tác tổng kết nghiên cứu; Cách thức gửi tài liệu đã có đổi mới để phù hợp và bám sát với chương trình kỳ họp.
Năm 2022 đã cung cấp được 54 tài liệu, thực hiện cung cấp tài liệu trên cả 2 phương thức: tài liệu bản giấy gửi đến tận tay ĐBQH; bản mềm gửi lên App Quốc hội điện tử… bảo đảm đúng thời gian, giúp ích cho ĐBQH trong việc đóng góp ý kiến ở tổ và tại Nghị trường.
04. Đổi mới căn bản công tác quản lý khoa học
Năm 2022, Viện đã có những bước đi quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý khoa học bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nghiên cứu, thực hiện công tác quản lý một cách chủ động.
Công tác quản lý các nhiệm vụ khoa học đã có nhiều đổi mới, khối lượng công việc đã được dàn trải, chia đều cho các tháng trong năm, việc quá tải hoặc dồn ứ về công tác quản lý khoa học vào một thời điểm đã không còn xảy ra; công tác giám sát, đôn đốc các Ban chủ nhiệm Nhiệm vụ khoa học đã được sát sao, kịp thời; việc xem xét thay thế thành viên tham gia nghiên cứu cũng đã được quản lý chặt. Bên cạnh đó, công tác phục vụ, tham mưu giúp việc cho UBTVQH, Hội đồng khoa học của UBTVQH đã được Viện triển khai kịp thời, có nhiều kết quả nổi trội hơn so với giai đoạn trước.
05. Cải tiến trong hoạt động biên tập, xuất bản Tạp chí
Trong năm 2022, các ấn phẩm xuất bản của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã được thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, từng bước nâng cao chất lượng lý luận và thực tiễn. Tạp chí đã chủ động xây dựng kế hoạch trên 7 chủ đề nhóm bài viết. Trong đó định hướng năm 2022, khuyến khích viết bài về vấn đề công tác lập pháp; hoàn thiện các chính sách về hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường; kinh tế số; khung thể chế và pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí... .
06. Ký kết chương trình hợp tác – Thu hút chuyên gia, nhà khoa học
Viện đã ký kết 02 chương trình hợp tác giai đoạn 2021 - 2026 với Hội Luật gia Việt Nam và Trường Đại học Luật Hà Nội; phối hợp với Đại sứ quán Anh, Quỹ Rosa Luxemburg, tổ chức UNICEF và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đồng tổ chức được 3 hội thảo phục vụ cho việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và hội thảo về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sanbox).
Các hoạt động chung như công tác tổng hợp được duy trì, bảo đảm trong việc Báo cáo công tác tháng gửi UBTVQH, Đảng đoàn Quốc hội; Công tác tổ chức, cán bộ, tài chính được triển khai bài bản, kịp thời, công khai minh bạch và đúng quy định. Viện triển khai: ban hành Quy chế làm việc; Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quy chế văn thư, lưu trữ; Quy chế quản lý tài liệu mật… Công tác quản trị, tin học thực hiện tốt, bảo đảm việc vận hành, hoạt động của trụ sở được liên tục, an toàn./.