PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: NGHIÊN CỨU, TỔ CHỨC THÔNG TIN KHOA HỌC LẬP PHÁP CẦN LẤY HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI LÀM TRUNG TÂM

05/01/2024

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Viện nghiên cứu lập pháp diễn ra vào chiều 5/1, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức thông tin khoa học lập pháp của Viện Nghiên cứu lập pháp phải lấy hoạt động của Quốc hội làm trung tâm.

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2023, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có: Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đồng chí là nguyên là lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp. Dự hội nghị về phía Văn phòng Quốc hội có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương; cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp.

Kết quả hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp góp phần vào thành công chung của Quốc hội

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp, nỗ lực của Viện Nghiên cứu lập pháp trong năm 2023. Kết quả toàn diện của Viện trên các mặt công tác đã góp phần quan trọng vào thành công chung của Quốc hội.

Điểm lại những nét đổi mới trong tổ chức và hoạt động của Viện năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu lập pháp với những quy định phù hợp đối với cơ quan nghiên cứu của Quốc hội, đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy quá trình phát triển của Viện Nghiên cứu lập pháp.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Ghi nhận nỗ lực cũng như những kết quả Viện Nghiên cứu lập pháp trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đặc biệt trong năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp không ngừng đổi mới phương thức hoạt động theo hướng gắn với hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Tất cả các dự án Luật khi Quốc hội thông qua, Viện Nghiên cứu lập pháp đều phối hợp các Hội  đồng Dân tộc, các Ủy ban tổ chức các hội thảo khoa học, các hội nghị chuyên gia,… Từ đó, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, chất lượng vào công tác hoàn thiện các dự án luật.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong năm 2023, Viện Nghiên cứu lập pháp được giao thực hiện nhiệm vụ độc lập rà soát kỹ thuật văn bản, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng các dự án luật trước khi trình Quốc hội bấm nút thông qua; Công tác quản lý khoa học được đổi mới, chuẩn hóa, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, phát huy được vai trò, trách nhiệm là cơ quan chủ quản, chủ trì; Công tác tham mưu, phục vụ Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có những chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, ổn định; Đổi mới trong công tác quản lý và quan hệ công tác với các cơ quan của Quốc hội; .. “Chưa bao giờ Viện Nghiên cứu lập pháp có những đóng góp thiết thực, hiệu quả như bây giờ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Công tác nghiên cứu khoa học, tổ chức thông tin khoa học lập pháp phải lấy hoạt động của Quốc hội làm trung tâm

Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2023, năm 2024 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Viện Nghiên cứu lập pháp chú trọng triển khai một số nội dung trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục cụ thể hóa các nhiệm vụ năm 2024. Theo đó, cần có chương trình, kế hoạch, phân công chi tiết từng nhiệm vụ, rõ đầu việc, thời gian, lộ trình thực hiện;..

Hai là, nhiệm vụ trung tâm của Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan nghiên cứu khoa học, tổ chức thông tin khoa học lập pháp phải lấy Quốc hội làm trung tâm; phục vụ Quốc hội. Do đó, hoạt động phải gắn với Chương trình hoạt động của Quốc hội, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.

Ba là, huy động tối đa sự tham gia, đóng góp trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để cống hiến, phục vụ hoạt động của Quốc hội dưới nhiều hình thức như mời tham gia hội thảo, tọa đàm, xây dựng chuyên đề, đóng góp ý kiến, tham gia Ban Chủ nhiệm đề tài;…

Bốn là, tiếp tục đổi mới công tác quản lý khoa học, công tác tổ chức nghiên cứu khoa học; Công tác tham mưu, phục vụ Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội nghị

Năm là, tập trung tham mưu, phục vụ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2016). Trong đó, tham mưu tổ chức nghiên cứu, phục vụ nghiên cứu đề tài “Quốc hội Việt Nam: 80 xây dựng, đổi mới và phát triển” đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm biên tập cuốn sách “Quốc hội Việt Nam: 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” do GS.TS. Vương Đình Huệ, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng ban Biên soạn; tổ chức Hội thảo quốc gia “Quốc hội Việt Nam: 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển";…

Sáu là, Viện cần tiếp tục nghiên cứu để nâng tầm Tạp chí, tăng cường mời các chuyên gia nhà khoa học hàng đầu; các đồng chí lãnh đạo viết bài đăng tải trên Tạp chí. Đồng thời, xuất bản số chuyên đề về những dự án luật quan trọng.

Bảy là, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tạo sự đồng thuận trong tập thể Lãnh đạo Viện, Đảng ủy và tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, huy động sức mạnh tập thể để thực hiện thắng lợi chương trình, kế hoạch công tác đề ra.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển 

Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, trong năm 2023, Viện Nghiên cứu lập pháp triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ chính trị, chuyên môn trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học; với sự đoàn kết, nhất trí, nỗ lực phấn đấu của cả tập thể, Viện đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác, góp phần vào thành công chung của Quốc hội.

Triển khai hiệu quả, toàn diện các mặt công tác

Trong lĩnh vực hoạt động nghiên cứu khoa học, thông tin khoa học lập pháp, Viện đã tổ chức 57 cuộc hội thảo, tọa đàm, xây dựng báo cáo nghiên cứu chuyên sâu. Trên cơ sở đó, Viện đã tổng hợp, nghiên cứu xây dựng, cung cấp 43 văn bản đến các cơ quan của Quốc hội, phục vụ công tác thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Luật, Nghị quyết, Đề án...; 26 chuyên đề/tài liệu thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Kỳ họp thứ 5 và thứ 6; 56 văn bản phục vụ lãnh đạo Quốc hội trong hoạt động chỉ đạo, điều hành tại các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Trong đó, tập trung nhiều vào những dự án luật lớn, phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước như các dự án: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); v.v...; thực hiện góp ý về nội dung và rà soát, hoàn thiện kỹ thuật của các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đối với 07 dự án Luật, 01 Nghị quyết quy phạm.

Các vị đại biểu tham dự Hội nghị

Đối với hoạt động quản lý khoa học, Viện Nghiên cứu lập pháp đã đổi mới, chuẩn hóa, bảo đảm theo đúng quy định pháp luật, phát huy được vai trò, trách nhiệm là cơ quan chủ quản, chủ trì; đề cao tính công khai, minh bạch; bố trí và sử dụng kinh phí đúng quy định, hiệu quả; nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu, phục vụ thiết thực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Cụ thể: Viện đã phối hợp với các Ban Chủ nhiệm tổ chức 27 hội thảo trong khuôn khổ kế hoạch nghiên cứu; tổ chức 19 Hội đồng tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và 19 Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu nghiệm vụ khoa học cấp Bộ và 01 nghiệm vụ khoa học cấp cơ sở. Tính đến 30/11/2023, toàn bộ các đề tài thực hiện từ năm 2021, 2022 đều đã được nghiệm thu chính thức và đang tiến hành các thủ tục thanh quyết toán tài chính trong năm 2023.

Đối với đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam – 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”, Viện Nghiên cứu lập pháp tham mưu, phục vụ Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức 03 phiên họp của Ban Chủ nhiệm đề tài; phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội tổ chức 03 hội thảo khoa học trong kế hoạch năm 2023; đầu mối đôn đốc các cơ quan thực hiện các chuyên đề nhánh hoàn thiện báo cáo trong năm 2023 đúng thời hạn.

Đối với hoạt động của Hội đồng khoa học của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: công tác tham mưu, phục vụ Hội đồng khoa học tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp. Trong năm 2023, Hội đồng khoa học đã thực hiện đầy đủ 04 phiên họp theo đúng chương trình, kế hoạch đề ra. Trong đó có 03 phiên cho ý kiến vào các dự án luật có nội dung khó, phức tạp, chuyên sâu và có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn (bao gồm Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi)...

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường

Ngoài ra, công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế đã góp phần nhất định vào việc nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu phục vụ Quốc hội. Viện đã phối hợp chặt chẽ với Quỹ Rosa Luxemburg, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Luật gia... đồng tổ chức các hội thảo/tọa đàm đóng góp ý kiến đối với một số dự án luật quan trọng, như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi);...

Hoạt động của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, công tác phục vụ hoạt động chung, việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác của Viện cũng đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cũng nêu rõ, trong năm 2023, bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, Viện NCLP được giao nhiều nhiệm vụ đột xuất từ Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, yêu cầu thời gian phải xử lý gấp, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học và cung cấp thông tin khoa học lập pháp. Song được sự quan tâm, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp từ Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; của các chuyên gia, nhà khoa học; sự đoàn kết, quyết tâm, chủ động của tập thể lãnh đạo Viện Nghiên cứu lập pháp, công chức, viên chức và người lao động, Viện đã đạt được những kết quả tích cực theo đúng kế hoạch, được các cấp lãnh đạo ghi nhận và đánh giá tích cực.

Hội nghị tiến hành khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác năm 2023

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng như: Hoạt động nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học lập pháp; Công tác quản lý khoa và đối ngoại, hợp tác quốc tế; Hoạt động của Tạp chí; Hoạt động phục vụ chung.

Trong đó, trên cơ sở dự kiến kế hoạch công tác, Viện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan hữu quan và chuyên gia uy tín để triển khai các hoạt động nghiên cứu dưới các hình thức như: tổ chức hội thảo/tọa đàm, tham vấn ý kiến chuyên gia... ;Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, đề án, từ năm 2023 theo kế hoạch chung của cơ quan chủ trì; thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu đột xuất theo yêu cầu của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Tập trung nhân lực vào nhiệm vụ trọng tâm chiến lược theo sự phân công tham gia: (1) các hoạt động nghiên cứu hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam; (2) Đề án “Quốc hội điện tử”; (3) tham gia xây dựng cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN và Quốc hội Việt Nam”...

Cũng tại Hội nghị, Viện Nghiên cứu lập pháp đã trao tặng các danh hiệu thi đua – khen thưởng cho các Tập thể, cá nhân xuất sắc trong năm 2023.

Kết thúc Hội nghị, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, trong năm 2024, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ đoàn kết, nổ lực  tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tham mưu, chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, xứng đáng là cơ quan nghiên cứu về lập pháp hàng đầu của Quốc hội Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Quang cảnh Hội nghị 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các đại biểu dự Hội nghị

Các vị chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội nghị

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành phát biểu tại Hội nghị

Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Viện Nghiên cứu lập pháp tham dự Hội nghị 

Hội nghị xem trình chiếu Video dấu ấn 15 năm hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

PGS. TS Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Các vị chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hôi nghị 

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024

Trưởng Ban quản lý khoa học Đinh Thu Hương

Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật về Kinh tế - Xã hội Đặng Minh Đạo 

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Hành chính - Nhà nước Đỗ Ngọc Tú

Các vị đại biểu dự Hội nghị

 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định 

Hội nghị tiến hành khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác năm 2023

Hội nghị tiến hành khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác năm 2023

 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể Viện Nghiên cứu lập pháp./.

Lê Anh - Nghĩa Đức