Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bám sát vào các hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, trong năm 2024, HĐKH sẽ tiếp tục triển khai tốt các nhiệm vụ để nghiên cứu, tư vấn và tham mưu giúp UBTVQH trong việc chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ; tổ chức nghiên cứu “từ sớm, từ xa” các dự án luật khó, phức tạp, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau để nâng cao hơn nữa công tác nghiên cứu, tư vấn và tham mưu cho UBTVQH; tổ chức đầy đủ các phiên họp theo đúng Chương trình công tác; tiếp tục cải tiến, đổi mới, tổ chức các hình thức hoạt động phù hợp, linh hoạt, đa dạng hóa các hoạt động. Cụ thể:
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Xem xét, định hướng nghiên cứu khoa học
Thứ nhất, Hội đồng khoa học thực hiện tốt nhiệm vụ xem xét định hướng nghiên cứu khoa học, sớm ban hành Nghị quyết về Định hướng nghiên cứu khoa học, làm căn cứ cho các cơ quan của Quốc hội đề xuất nhiệm vụ khoa học trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính cấp thiết. Hội đồng khoa học tiếp tục xem xét, phân tích, góp ý kiến về mặt khoa học, sự cần thiết, tên gọi, tính mới, tính cấp thiết của từng nhiệm vụ khoa học để thông qua Danh mục nhiệm vụ khoa học, làm căn cứ cho việc thực hiện quy trình tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm nghiên cứu của đề tài, thành viên Hội đồng khoa học tiếp tục tham gia là chuyên gia góp ý cho các báo cáo nghiên cứu của đề tài; tham gia làm chuyên gia của các cuộc hội thảo, tọa đàm của đề tài; tham gia là thành viên, phản biện của các Hội đồng tư vấn, nghiệm thu đề tài.
Góp ý vào các dự án luật, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau
Thứ hai, trong năm 2024, tại Kỳ họp thứ 7 và kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ cho ý kiến 11 dự án luật, thông qua 18 dự án luật, 01 nghị quyết của Quốc hội. Căn cứ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, UBTVQH và chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng khoa học sẽ tổ chức các Phiên họp góp ý vào các dự án luật, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau… Bên cạnh việc tổ chức các Phiên họp thường niên theo kế hoạch của Hội đồng khoa học để góp ý trực tiếp vào các dự án luật, các vấn đề quan trọng thì Hội đồng khoa học cần tăng cường tổ chức thêm các cuộc họp chuyên sâu để cho ý kiến ngay, kịp thời vào các vấn đề nổi cộm, cấp thiết, còn nhiều ý kiến khác nhau. Đồng thòi, Hội đồng khoa học cần tăng cường xem xét, lựa chọn các vấn đề đang nổi cộm, bức xúc, các vấn đề “nóng” trong chương trình nghị sự của Quốc hội, UBTVQH để đưa nội dung này thảo luận tại các phiên họp chuyên sâu, trên cơ sở đó đưa ra các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, tham mưu cho UBTVQH trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đồng thời, Hội đồng khoa học cần tiếp tục tăng cường thực hiện phương thức xin ý kiến bằng văn bản các nội dung còn có ý kiến khác nhau; tiếp tục thực hiện phương thức đặt hàng các thành viên Hội đồng khoa học, các nhà khoa học viết các báo cáo chuyên sâu nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác nghiên cứu, tham mưu đóng góp ý kiến về mặt khoa học đối với những vấn đề khó, phức tạp, bám sát vào những vấn đề có ý kiến khác nhau trong các dự án luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề quan trọng của đất nước; tiếp tục huy động trí tuệ, sự đóng góp của các thành viên Hội đồng khoa học tham gia các hoạt động như xây dựng, cho ý kiến về các báo cáo nghiên cứu; tham gia làm chuyên gia của các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học góp ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh và các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tăng cường sự đóng góp về mặt khoa học đối với các nội dung, vấn đề UBTVQH cần xem xét, cho ý kiến
Thứ ba, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH tăng cường mời các thành viên Hội đồng khoa học tham gia sâu vào hoạt động chuyên môn của các cơ quan để tăng cường sự đóng góp về mặt khoa học đối với các nội dung, vấn đề của UBTVQH cần xem xét, cho ý kiến; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lập pháp để Viện có thể kịp thời tham mưu tổ chức các phiên họp của Hội đồng khoa học cho ý kiến vào các dự án luật khó, phức tạp
Thứ tư, Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ của Viện Nghiên cứu lập pháp, tiếp tục tham mưu hiệu quả cho Hội đồng khoa học thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao./.