Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong quản lý tài nguyên nước ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế

25/09/2015

Ngày 25/9, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp phối hợp với Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức buổi Tọa đàm về Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam. Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo và Phó giám đốc IUCN khu vực Đông Nam Á Jake Brunner chủ trì tọa đàm.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo phát biểu khai mạc Tọa đàm           Ảnh: Bảo Yến

Tham gia tọa đàm còn có các đại biểu Quốc hội đại diện cho các Ủy ban của Quốc hội, đại diện các Bộ ngành liên quan, các tổ chức phi chính chủ, tổ chức xã hội và các chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và môi trường.

Tọa đàm được tổ chức nhằm chia sẻ với các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các nhà khoa học những nội dung cơ bản của Công ước 1997 của Liên Hợp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy (UNWC) và thảo luận, đề xuất phương hướng nội luật hóa để các quy định của Công ước được áp dụng trong thực tiễn và đảm bảo sự phù hợp với hệ thống pháp luật Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp PGS.TS Đinh Xuân Thảo cho biết, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên nước dồi dào với hệ thống sông ngòi dày đặc và phân bổ rộng khắp. Tuy nhiên, Việt Nam lại là quốc gia nằm ở hạ nguồn các con sông liên quốc gia nên khả năng sử dụng các nguồn tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn.

Ngày 19/5/2014, Việt Nam đã thông qua UNWC và trở thành thành viên thứ 35 của Công ước. UNWC là một công ước đề ra các nguyên tắc hợp tác giữa các quốc gia trong việc quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới.

Theo PGS.TS Đinh Xuân Thảo, UNWC sẽ có tác động tích cực đối với Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước bởi đây sẽ là quy tắc ứng xử chung cho Việt Nam và các quốc gia đang chia sẻ các nguồn nước xuyên biên giới, là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, góp phần giải quyết các xung đột lợi ích về nguồn nước một cách hòa bình, ổn định. Song các tác động tích cực chỉ đến khi Việt Nam và các nước láng giềng có cùng luật chơi. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực phê chuẩn Công ước này. Các nước có lợi ích đan xen về tài nguyên nước với Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Campuchia…vẫn đứng ngoài cuộc chơi.

Do vậy để đảm bảo lợi ích chung, Việt Nam cần tích cực hơn nữa vận động các quốc gia láng giềng tham gia Công ước. Một trong những giải pháp của Việt Nam hướng tới là đẩy mạnh ngoại giao nhà nước, tập trung vào ngoại giao nghị viện nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và quốc tế về quản trị nước hình thành cơ chế đối thoại thường xuyên với các nước láng giềng. Đồng thời, nội luật hóa các quy định của UNWC để đảm bảo hiệu quả thực thi.

Buổi tọa đàm tập trung vào những vấn đề UNWC có thể hỗ trợ và tăng cường hơn nữa việc thực thi Hiệp định Mekong và thảo luận những khuyến nghị Việt Nam có thể thực hiện để khuyến khích các nước láng giềng như Campuchia, Lào, Thái Lan thông qua Công ước.

Thảo luận tại tọa đàm, các đại biểu nhận định, vấn đề khai thác, sử dụng nguồn nước xuyên quốc gia đang là thách thức lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là với sông Hồng và sông Mekong. Hiện nay, các hoạt động sử dụng và phát triển sông Mekong được điều chỉnh theo Hiệp định về Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mekong (Hiệp định Mekong) được ký vào năm 1995 bởi các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, Hiệp định Mekong thiếu một cơ chế giải quyết tranh chấp ràng buộc về pháp lý nên các quốc gia không có quyền phủ quyết hoặc trì hoãn một dự án khi cho rằng dự án này sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của đất nước mình.

Công ước UNWC đưa ra khuôn khổ pháp lý toàn diện nhưng cũng linh hoạt trong quản trị các dòng sông quốc tế. Các nguyên tắc của Công ước ủng hộ một chiến lược phát triển thủy điện đáp ứng nhu cầu điện cần có, trong khi vẫn tối thiểu hóa các tác động đến nguồn lợi thủy sản và an ninh lương thực.

Chia sẻ tại tọa đàm, Phó giám đốc IUCN Khu vực Đông Nam Á Jake Brunner đánh giá, Việt Nam đã có bước đi rất quan trọng để thúc đẩy quá trình hợp tác sâu rộng hơn ở Khu vực Mekong. Hợp tác trong lĩnh vực nước sẽ không cản trở những lợi ích từ các lĩnh vực khác và việc khuyến khích các quốc gia trong khu vực Mekong ký thông qua UNWC sẽ giúp xây dựng một khuôn khổ vững chắc cho quá trình hợp tác này.

Đánh giá vai trò của Quốc hội trong quản lý tài nguyên nước ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế là rất quan trọng, đại diện của Tổ chức Liên minh nước sạch, ông Trương Mạnh Tiến cho biết thêm IPU-132 vừa qua tại Hà Nội đã ra Tuyên bố Hà Nội với thông điệp mạnh mẽ biến lời nói thành hành động là nền tảng để Quốc hội các nước thảo luận, cùng hành động cũng như vận động các nước tham gia Công ước để sử dụng, khai thác và bảo vệ hiệu quả nguồn nước.  

Bảo Yến