Chiều 25/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật thuế nhà, đất.
Được đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội từ kỳ họp thứ 6, vấn đề đưa nhà ở vào diện đối tượng chịu thuế đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội và có các ý kiến không thống nhất. Phát biểu trên Hội trường, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cùng ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội cho rằng “bất kể giai đoạn nào đối với chế độ của Nhà nước ta không nên đặt vấn đề đánh thuế đối với những người có một nhà ở, vì đây là mơ ước ngàn đời của người dân Việt Nam, "sống cái nhà, già cái mồ". Bên cạnh đó, Hiến pháp Việt Nam cũng quy định quyền tự do dân chủ cơ bản của công dân là được quyền có nhà ở”.
Tại kỳ họp này, sau khi cân nhắc trên nhiều khía cạnh, nghiên cứu thận trọng các ý kiến đóng góp, Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị trước mắt chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế với 5 lý do cơ bản. Đó là: Việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao trong nhân dân. Khi nền kinh tế chưa ổn định, việc áp dụng thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận người dân. Một trong những mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở, song trên thực tế, giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị xây dựng trên nhà đất. Do vậy, để hạn chế đầu cơ phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thấy rằng, việc áp dụng thuế nhà ở thực chất là áp dụng thuế tài sản, song trên thực tế, ngoài nhà ở còn có nhiều loại tài sản khác có giá trị lớn, thậm chí lớn hơn giá trị xây dựng của nhiều loại nhà như ô tô, máy bay, tàu thủy, du thuyền… Nếu chỉ áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở thì chưa bảo đảm tính hợp lý, công bằng của một sắc thuế…
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, để đảm bảo thống nhất giữa tên gọi và nội dung của luật, nên sửa tên luật là “Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”.
Xung quanh nội dung này, trong phần thảo luận trên Hội trường chiều nay, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cùng nhiều đại biểu khác hoan nghênh việc chưa đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh), đại biểu Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội), đại biểu Lê Dũng (đoàn Tiền Giang) chưa đồng tình. Đại biểu Vũ Hồng Anh kiến nghị đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế, bởi trước mắt, thu thuế nhà ở là không đủ bù chi nhưng lợi ích xã hội lại rất lớn. Việc ban hành chính sách đem lại hiệu quả xã hội, giảm chi phí cho toàn xã hội tạo điều kiện cho một bộ phận không nhỏ những người làm công ăn lương có cơ hội tiếp cận với nhà ở là điều Nhà nước nên làm và cần phải làm. Mặt khác, khác với các tài sản khác, đất ở, nhà ở là một loại bất động sản có giá trị đặc biệt. Người dân có thể không cần có ô tô, máy bay, tàu thủy nhưng không thể thiếu chốn nương thân. Vì vậy, việc đánh thuế nhà ở với việc đánh thuế tài sản khác là hai việc làm có ý nghĩa và nội dung hoàn toàn khác nhau.
Đại biểu cũng cho rằng, để đảm bảo cho luật này không ảnh hưởng tới những người đang sử dụng những nhà ở có giá trị không lớn, những người có thu nhập thấp và trung bình, thì cần xây dựng phương án để đại bộ phận người dân ở khu vực nông thôn, ở những khu đô thị loại 4, loại 5 không phải nộp thuế. Còn đối với nhà ở đô thị loại 3 trở lên, nhà mới xây, biệt thự, căn hộ trung, cao cấp ở các đô thị lớn thì cần phải nộp thuế.
Đại biểu Trần Du Lịch nêu suy nghĩ: “Luật thuế nhà, đất được ban hành như công cụ tài chính để đánh vào đầu cơ, đánh vào người có nhiều nhà, đất và dùng nó để điều tiết xã hội, để bình ổn thị trường bất động sản. Nếu mục tiêu như vậy thì những gì mà luật này đưa ra tiếp thu tôi nghĩ rằng không đạt được”. Đại biểu kiến nghị: “Tôi không đồng tình chuyển dự án Luật thuế nhà, đất thành Luật thuế đất phi nông nghiệp. Tôi đề nghị với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ cần điều chỉnh một số điều khoản thuế suất và một vài điều cần thiết của Pháp lệnh thuế hiện hành để thực thi ngay. Thực sự dự án luật này cũng không cải thiện nhiều so với Pháp lệnh đang có, không cần đạo luật của Quốc hội, sửa là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về Dự thảo Luật thuế nhà, đất, tôi đề nghị treo lại và tiến hành điều tra nghiên cứu tình trạng sở hữu nhà ở hiện nay”.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng đề nghị Quốc hội tiến hành một cuộc giám sát về tình trạng bỏ đất hoang bởi đây là nguyên nhân chủ yếu đẩy giá đất Việt Nam lên cao bất thường so với mặt bằng kinh tế và thu nhập của người dân. Theo đại biểu, đây không chỉ là vấn đề kinh tế xã hội nữa mà còn là vấn đề chính trị.
Cũng liên quan đến đối tượng chịu thuế, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy, hải sản; đất nghĩa trang do tư nhân đầu tư, kinh doanh. Về các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa nên quy định về đất nông nghiệp trong Dự thảo luật vì hiện tại, thuế đất nông nghiệp đang được điều chỉnh bởi Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp và Nghị quyết của Quốc hội số 15/2003/QH11 ngày 17/6/2003 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế nông nghiệp và đời sống người nông dân còn khó khăn, nên tiếp tục miễn, giảm thuế đến hết năm 2020. Nội dung này dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới. Về vấn đề đất nuôi trồng thủy, hải sản; đất nghĩa trang, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đất nuôi trồng thủy hải sản cũng là đất nông nghiệp do đó cũng không bổ sung vào đối tượng chịu thuế. Các quy định tại khoản 3 Điều của Dự thảo luật đã nêu rõ, đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không vì mục đích kinh doanh không thuộc đối tượng chịu thuế; nếu đất làm nghĩa trang, nghĩa địa vì mục đích kinh doanh đương nhiên phải thuộc đối tượng chịu thuế, còn thuế suất bao nhiêu sẽ được quy định phù hợp với hoạt động đặc thù này.
Nội dung cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận đó là vấn đề giá tính thuế được quy định tại Điều 6; thuế suất, miễn, giảm thuế được quy định tại các Điều 7, 9 và 10.
Ngày mai (26/5), Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Nuôi con nuôi và Dự thảo Luật Bưu chính./.