VIỆN TRƯỞNG VKSNDTC: VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CẤP HUYỆN VẪN CÒN CÒN LÚNG TÚNG, NHẦM LẪN TRONG PHÂN LOẠI ĐƠN

13/09/2019

Tại Phiên thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, một trong những hạn chế của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc xử lý đơn tại một số Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện vẫn còn lúng túng, nhầm lẫn.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu tại Phiên họp

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, công tác xử lý đơn tại một số Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), nhất là cấp huyện chưa được thực hiện đầy đủ, chính xác, còn lúng túng, nhầm lẫn trong phân loại đơn dẫn đến xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết không đúng quy định của pháp luật và của Ngành, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.

Bên cạnh đó, một số vụ việc khiếu nại trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền của VKSND, quá trình giải quyết chưa đảm bảo thời hạn hoặc chưa thu thập, phân tích đầy đủ tài liệu, chứng cứ cho việc giải quyết, dẫn đến VKSND cấp trên phải hủy để giải quyết lại. Thực tế, có những trường hợp, do quá trình giải quyết kéo dài, khi kiểm tra lại không thu thập được dấu vết, vật chứng, gây khó khăn cho việc giải quyết. Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chưa thực sự hiệu quả, một số VKSND chỉ phát hiện được vi phạm về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp, chưa kiểm sát, phát hiện được hạn chế, thiếu sót về nội dung giải quyết, cho nên chất lượng kiến nghị chưa cao.

Viện trưởng Lê Minh Trí chỉ rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trên là do quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thời hạn giải quyết khiếu nại rất ngắn, nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp liên quan đến trách nhiệm giải quyết của nhiều ngành, nhiều cấp hoặc phải tiến hành thu thập tài liệu, xác minh ở địa phương khác (nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa) thì không đủ thời gian để tiến hành giải quyết trong thời hạn. Do áp lực công tác chuyên môn, có lúc, có nơi, các đơn vị nghiệp vụ kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử chưa thực hiện tốt trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ trì, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hơn nữa, một số VKSND chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được thường xuyên, sâu sát; việc bố trí cán bộ còn thiếu số lượng và hạn chế nghiệp vụ; tại VKSND cấp huyện thường kiêm nhiệm hoặc bố trí cán bộ mới tuyển dụng làm công tác này. Bên cạnh đó, một số cán bộ nghiệp vụ chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm, chưa tích cực nghiên cứu, cập nhật các quy định mới nên trình độ nghiệp vụ hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành.

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, mặc dù liên ngành Trung ương đã ban hành các Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT và số 02/2018/TTLT, nhưng việc thực hiện và phối hợp giữa các ngành theo quy định của các Thông tư chưa tích cực, chưa gửi đầy đủ thông báo thụ lý, Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo nên khó khăn cho VKSND trong thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Tình trạng một số công dân lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo hoặc do nhận thức pháp luật hạn chế liên tục gửi đơn và trực tiếp đến địa điểm tiếp công dân của VKSND tối cao và một số VKSND tỉnh, thành phố lớn yêu cầu giải quyết những vụ việc đã được giải quyết, trả lời nhiều lần, đúng pháp luật; không ít trường hợp do không được đáp ứng yêu cầu đã có hành vi quá khích, quay video, chụp ảnh,... nhưng pháp luật chưa có quy định cụ thể về xử lý những trường hợp này, vì vậy công tác tiếp công dân, xử lý đơn của VKSND các cấp gặp khó khăn.  

Về phương hướng, giải pháp trong thời gian tới, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp tục chỉ đạo VKSND các cấp tăng cường trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Giải quyết kịp thời, triệt để các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài. Tăng cường công tác phối hợp giữa VKSND với các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT và số 02/2018/TTLT; VKSND tối cao sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề ra các giải pháp phối hợp cụ thể; đồng thời, chỉ đạo VKSND cấp dưới yêu cầu các cơ quan tư pháp cùng cấp thực hiện nghiêm túc việc gửi văn bản thụ lý và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp cho VKSND cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát.

Toàn cảnh Phiên họp

Bên cạnh đó, VKSND tối cao chỉ đạo VKSND cấp dưới tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Thông tư, Quy chế, Quy định của Ngành về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan tư pháp ngang cấp thực hiện có hiệu quả các Thông tư liên tịch về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Tăng cường công tác kiểm sát trực tiếp việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, nhất là kiểm sát trực tiếp các cơ quan tư pháp ngang cấp; thanh tra, kiểm tra công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND cấp trên đối với VKSND cấp dưới. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo có phẩm chất tốt, tinh thông nghiệp vụ, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật.

Trên cơ sở công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2019, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; xem xét việc sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp để đảm bảo tính khả thi. Qua đó giúp các cơ quan tư pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp./.

Hồ Hương

Các bài viết khác