XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ THEO HÌNH THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ CẦN THẬN TRỌNG VÀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG ĐẦY ĐỦ

16/09/2019

Chiều ngày 16/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, sau khi nghe Ban soạn thảo trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày ý kiến thẩm tra về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết của việc xây dựng, ban hành dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia nói chung và huy động nguồn lực tư nhân thông qua đầu tư PPP nói riêng, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Các đại biểu cho rằng, dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là một dự án Luật lớn, quy mô nội dung rộng. Do vậy, cần cân xây dựng thận trọng, rà soát kỹ lưỡng và có đánh giá tác động đầy đủ.

 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu ý kiến

Bày tỏ tán thành với sự cần thiết phải ban hành dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong các nghị quyết và chủ trương của Đảng cũng đã đề ra nhiệm vụ sớm hanh hành một dự án Luật về đầu tư đối tác công tư để thực hiện, xử lý các vấn đề thực tiễn đặt ra với mục tiêu huy động được các nguồn lực đầu tư trong xã hội. Tuy nhiên, để làm được Luật này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định là rất khó. Bởi đang có rất nhiều vấn đề chưa có câu trả lời một cách đầy đủ và thuyết phục. Do vậy, việc xây dựng luật cần phải rất thận trọng và rà soát kỹ lưỡng trên cơ sở tổng kết, đánh giá tác động đầy đủ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, hồ sơ sự án Luật mà Chính phủ trình được chuẩn bị rất công phu, quy mô nghiên cứu lớn, nội dung có tầm bao quát rộng nên chắc chắn sẽ có sự đụng chạm, xung đột với các luật khác, mà có thể rất khó để khắc phục. Bởi vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định để nghị Ban soạn thảo cân nhắc về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, có nên chăng phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ nên tập trung vào khâu ký hợp đồng đầu tư?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định​ phát biểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng nhấn mạnh, đây là một luật không chỉ có tác động kinh tế sâu rộng, mà còn có tác động xã hội rất lớn, song vẫn còn hàng chục điều chưa được quy định rõ. Băn khoăn về tính thống nhất, đồng bộ với các dự án luật khác, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị chỉ luật hóa những nội dung đã rõ ràng. Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo tham khảo kỹ ý kiến các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài khi xây dựng các quy định trong dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, đây là một Luật khó, khi xây dựng cần cân nhắc rất thận trọng.

Qua nghiên cứu dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đưa ra dự án luật này là muốn lập ra cơ chế pháp lý đặc thù cho hình thức hợp tác công tư, song nhiều nội dung tại dự thảo luật này sẽ đụng chạm đến rất nhiều luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai....và rất nhiều luật khác nữa. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu đụng chạm quá nhiều gây xáo trộn hoặc ách tắc trong thực thi pháp luật thì sau phiên họp này cần tiếp tục đặt ra để nghiên cứu một cách thận trọng.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận nội dung phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, qua xem xét Tờ trình; Báo cáo thẩm tra cũng như các ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận, đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn, tổng kết sâu sắc hơn những vướng mắc, cách xử lý và hiệu quả đem lại trong hơn 20 năm thực hiện quy định. Cụ thể, đối tượng áp dụng, hình thức, lĩnh vực áp dụng đầu tư PPP ra sao, quy mô áp dụng đầu tư, phân loại đầu tư giữa các dự án PPP dựa trên quan điểm như thế nào, dựa trên kinh nghiệm của các nước thế nào.

Đồng thời, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị cần làm rõ tính khả thi của luật này với các luật khác, liệu có tạo ra sự xung đột pháp lý với các luật khác hay không? Cùng với đó, cần làm rõ thẩm quyền quyết định các loại dự án, mức độ tham gia của nhà nước, vấn đề chia sẻ rủi ro như thế nào cho hợp lý để tránh tư tưởng ỷ lại, lợi dụng chính sách Nhà nước hoặc tạo ra ghánh nặng cho Nhà nước, nhất là khi các dự án được triển khai trong thời gian dài. Đồng thời, cần làm rõ chính sách cụ thể về sử dụng tài sản công, tài chính công, về sự đầu tư của nhà nước bằng nguồn lực ngân sách, bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng, nhất là về tài chính giữa công và tư...

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh lại dự án Luật; giao Ủy ban Kinh tế tổ chức thẩm tra chính thức đảm bảo dự án Luật đủ điều kiện trình ra Quốc hội thảo luận./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Các bài viết khác