BÁO CÁO THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

20/04/2020

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, chiều ngày 20/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động VIệt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Đây là dự án Luật dự kiến trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 9 tới.

 

Đề nghị giải trình làm rõ việc sửa đổi, bổ sung các quy định

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật và đề nghị Ban Soạn thảo quan tâm thêm 3 vấn đề.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Một là, tiếp tục rà soát thể chế đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt theo yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đối với doanh nghiệp; bảo đảm hài hòa trong việc quy định tăng cường quản lý nhà nước với việc thúc đẩy, phát triển hoạt động trong lĩnh vực này trên cơ sở nguyên tắc của thị trường.

Hai là, chưa bảo đảm sự thống nhất giữa Tờ trình, mục đích, mục tiêu, sự cần thiết sửa đổi Luật, Báo cáo tổng kết thi hành Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách với các nội dung của dự án Luật; một số nội dung lý giải chưa thể hiện bản chất của việc sửa đổi căn cơ, toàn diện và chưa bám sát các mục tiêu chính sách.

Ba là, dự thảo Luật chưa làm rõ được yêu cầu tạo thuận lợi, hỗ trợ, bảo vệ đối với người lao động mà thiên về việc “bảo vệ” đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, điều ước và cam kết quốc tế, Thường trực Ủy ban đề nghị tiếp tục rà soát mối quan hệ giữa dự thảo Luật với quy định của các luật hiện hành và các dự án Luật mà Quốc hội đang cho ý kiến, tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có kế hoạch phê chuẩn, chuẩn bị gia nhập trong thời gian tới. Đặc biệt, cần quan tâm, nghiên cứu các ý kiến góp ý sơ bộ của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam về vấn đề này. Bên cạnh đó, đề nghị quan tâm thêm việc hài hòa hóa với pháp luật của các nước tiếp nhận lao động.

Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đề nghị Ban Soạn thảo quan tâm, bổ sung, hoàn thiện và giải trình làm rõ vấn đề số lượng các cơ quan, tổ chức góp ý kiến còn hạn chế; chưa giải trình và làm rõ lý do sửa đổi, bổ sung mới hay bãi bỏ các quy định hiện hành; một số nội dung chưa được phân tích đánh giá cụ thể về tính khả thi, bảo đảm điều kiện về nguồn lực thực hiện; một số nội dung, giải pháp được đề cập trong Báo cáo nhưng chưa được thể hiện tại dự thảo Luật; một số quy định đã làm phát sinh chính sách mới so với nội dung chính sách khi đề nghị xây dựng dự án Luật nhưng chưa được thể hiện trong Tờ trình; chưa đưa ra định hướng xử lý và hoàn thiện tại dự thảo Luật các vấn đề giới.

Cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước

Về các nội dung lớn của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, thực chất phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã mở rộng hơn so với hiện hành, tuy nhiên, quy định tại Điều 1 dự thảo Luật chưa bao quát được các nội dung “chính sách đối với người lao động sau khi về nước”, “Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước”; chưa xác định rõ phạm vi điều chỉnh đối với nhóm người lao động được tự do di chuyển trong cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo làm rõ về các thay đổi, bổ sung và tác động của thay đổi này đối với quan điểm xây dựng dự án Luật, cũng như tiếp tục nghiên cứu, bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật cho phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật tại phiên họp

Về chính sách của Nhà nước, dự thảo Luật vẫn chỉ quy định chính sách đối với người lao động mà chưa phản ánh hết mức độ, phạm vi, định hướng tổng thể chính sách của Nhà nước về lĩnh vực lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh lực lượng lao động gia nhập thị trường lao động có xu hướng ngày càng giảm.

Về chính sách đối với người lao động sau khi về nước, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu và cụ thể hóa các chính sách này theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, người lao động theo nhóm nội dung. Cụ thể: Theo dõi, nắm bắt, khai báo để quản lý tốt người lao động sau khi về nước; Cơ chế, chính sách hỗ trợ tái hòa nhập; Hỗ trợ thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động nhằm tìm kiếm việc làm, tạo nguồn lao động có chất lượng chuyên môn, kỹ thuật cho các đơn vị sử dụng lao động trong nước và Khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, các nội dung về quản lý nhà nước; các hành vi bị nghiêm cấm; nội dung hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hợp đồng cung ứng lao động; đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đưa người lao động đi theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; cấp giấy chứng nhận tham gia bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc tại nước ngoài…cần được tiếp tục nghiên cứu, giải trình, chỉnh lý và hoàn thiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh nội dung và chất lượng của Hồ sơ cần được quan tâm, tiếp thu, giải trình thấu đáo, đầy đủ ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan tham gia thẩm tra và tiếp tục lấy ý kiến của doanh nghiệp, người lao động, cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo đảm có đầy đủ thông tin, cơ sở, đánh giá toàn diện.

Sau khi nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác