TRÌNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

21/04/2020

Chiều 21/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) thay cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

 

Sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/6/2014 tại Kỳ họp thứ 7 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để đóng góp cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, những vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, được nghị trường và các đại biểu Quốc hội quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình dự án Luật 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật với những thay đổi nhanh của cơ chế thị trường; một số quy định mới chỉ ở mức khung, chưa bảo đảm các yếu tố thực thi. Quản lý môi trường mới chỉ tập trung đề cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, chưa làm rõ vai trò của người dân, doanh nghiệp, sự tham gia của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng trong BVMT, chưa huy động hiệu quả nguồn lực của xã hội cho BVMT trong khi nguồn lực của Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa dựa vào kết quả, mục tiêu cuối cùng. Bên cạnh đó, nhiều nội dung về BVMT đang được quy định phân tán tại các luật khác nhau, chưa hướng đến mục tiêu tổng thể, chưa quán triệt chủ trương BVMT là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững.

Trong khi đó, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Cùng với, sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề BVMT.

Bên cạnh đó, nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, BVMT đã được ban hành cùng với nhiều cam kết quốc tế có liên quan đến môi trường đã được Việt Nam tham gia, cần sớm được thể chế hóa để triển khai thực hiện. Nhiều quốc gia đang chuyển sang lựa chọn mô hình kinh tế mới, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã đặt ra cơ hội về đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường, định hình các mô hình tăng trưởng mới cũng như những thách thức về sự dịch chuyển công nghệ cũ, ô nhiễm vào nước ta.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, những vấn đề nêu trên cho thấy đã đến lúc cần hoàn thiện đạo luật về BVMT một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện.

Quá trình thực hiện cho thấy bên cạnh 07 nhóm chính sách đã được đề xuất, còn 06 nhóm chính sách khác cũng cần được bổ sung để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, giải quyết các vấn đề môi trường đặt ra trong quá trình hội nhập, qua đó đặt ra yêu cầu phải sửa đổi toàn diện Luật BVMT.

Lấy sức khỏa Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong xây dựng dự án Luật này là phải lấy bảo vệ sức khoẻ Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành. BVMT phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển, được tính đến ngay từ quá trình lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho đến thiết kế dự án. BVMT phải lấy phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 192 điều, cụ thể hóa 13 nhóm chính sách đã được đánh giá tác động gồm các nhóm chính sách về quản lý chất lượng môi trường; chính sách về quản lý cảnh quan thiên nhiên; chính sách về tiêu chí sàng lọc dự án đầu tư; chính sách về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; chính sách về giấy phép môi trường (GPMT), đăng ký môi trường; chính sách về quản lý chất thải và công nghệ xử lý chất thải; chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu; chính sách về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường; chính sách về quan trắc, thông tin, cơ sở dữ liệu, báo cáo môi trường; chính sách về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường; chính sách về công cụ, chính sách kinh tế và nguồn lực cho BVMT; chính sách về hội nhập, hợp tác quốc tế về BVMT; chính sách về nội dung, trách nhiệm QLNN, việc phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm QLNN và tham gia BVMT.

Trong đó, mục tiêu đầu tiên, xuyên suốt của công tác BVMT là bảo vệ chất lượng các thành phần môi trường, trong đó bổ sung cảnh quan thiên nhiên là thành phần môi trường cần bảo vệ. Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm cải thiện và bảo vệ chất lượng môi trường đất, nước, không khí, kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới; bổ sung quy định về sức khỏe môi trường nhằm kiểm soát, phòng ngừa tác hại của các yếu tố môi trường đến sức khỏe con người.

Dự thảo Luật cũng đã bố cục lại các nội dung theo hướng đưa mục tiêu bảo vệ các thành phần môi trường là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách khác; quy định các chính sách quản lý theo tiến trình thực hiện của dự án đầu tư từ khi chuẩn bị, đưa vào hoạt động cho đến khi kết thúc dự án; đã cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính (TTHC). Dự thảo Luật sẽ góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: thu hẹp khoảng 40% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tích hợp các TTHC vào giấy phép môi trường; bỏ quy định trách nhiệm quan trắc môi trường định kỳ của doanh nghiệp, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc gây ô nhiễm môi trường. Bổ sung công cụ, chính sách kinh tế nhằm khuyến khích các hoạt động thân thiện môi trường, phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội trong hoạt động BVMT như: cơ chế đặt cọc-hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng; thuế, phí BVMT đối với chất thải, thuế các-bon; thị trường phát thải; tín dụng xanh; đầu tư theo hình thức PPP; đầu tư vào vốn tự nhiên; phát triển ngành công nghiệp môi trường; mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; vv. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính toàn diện và bao quát của Luật BVMT, dự thảo Luật đã đề xuất sửa đổi các chính sách về BVMT đang được quy định tại một số văn bản luật khác.

Đề xuất sửa đổi nhiều Luật liên quan

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho biết, trong quá trình xây dựng Luật, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội một số vấn đề.

Về quy định thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM tại Điều 42, dự thảo Luật, Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án, trong đó đề xuất thực hiện phương án 1 giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình.

Về mức chi tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường và sửa đổi nội dung chi sự nghiệp môi trường cho các hoạt động BVMT quan trọng, cấp thiết như: ĐTM tổng hợp, xuyên biên giới, tác động của biến đổi khí hậu, tác động của các vấn đề môi trường toàn cầu; hỗ trợ hoạt động khắc phục, xử lý và cải thiện môi trường do thiên tai, địch họa, dịch bệnh; mua sắm trang bị thiết bị, phương tiện phục vụ kiểm tra, giám sát kỹ thuật, quan trắc, dự báo, thông tin, cảnh báo về môi trường; duy trì, vận hành hệ thống quan trắc môi trường… Chính phủ trình Quốc hội phương án như quy định tại Điều 161 dự thảo Luật.

Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật đang được sửa đổi gồm Luật Đầu tư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính như phương án nêu tại khoản 3, khoản 6 Điều 190; sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi ngay tại Luật này như phương án nêu tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 190.

Sau khi nghe trình bày Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này./.

 

Bảo Yến - Nghĩa Đức

Các bài viết khác