THẨM TRA SƠ BỘ KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2019: KIỂM ĐIỂM TRÁCH NHIỆM NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, ĐƠN VỊ KHÔNG TUÂN THỦ NGHIÊM QUY ĐỊNH CỦA LUẬT

22/04/2020

Sáng 22/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2019.

 

Thực hành tiết kiệm chống lãng phí góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, qua họp thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) năm 2019, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, công tác THTK,CLP năm 2019 tiếp tục có những chuyển biến tích cực ở trên mọi lĩnh vực, góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách ghi nhận trong công tác chỉ đạo, điều hành và ban hành Chương trình THTK,CLP, Chính phủ đã ban hành Chương trình THTK,CLP sớm cùng với nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành và lồng ghép các nội dung liên quan đến THTK,CLP. Năm 2019 Chính phủ đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành khối lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú trọng vào ban hành các quy định tiết giảm chi NSNN, quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công, cải tiến quy trình và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản làm căn cứ quan trọng để THTK,CLP.

Một trong những kết quả nổi bật được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề cập là chi ngân sách được đảm bảo theo dự toán để bố trí đủ nguồn chi quản lý nhà nước, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội và thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn; hạn chế chi mua sắm xe ô tô công, thiết bị đắt tiền, tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, khánh tiết, công tác nước ngoài... Tích cực cơ cấu lại chi ngân sách, giảm dần chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, chi NSNN theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, cơ cấu lại và kiểm soát chặt chẽ nợ công, qua đó đã giảm lãi vay phải trả so với dự toán 16.900 tỷ đồng.

Chính phủ ban hành chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa và kiểm soát danh mục một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công; tiếp tục thực hiện việc tinh giản biên chế; đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế..., trong đó riêng ngành Thuế thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy năm 2019 đã giảm trên 200 Chi cục Thuế.

Công tác quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường có chuyển biến tích cực; triển khai có hiệu quả việc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; xử lý nghiêm các sai phạm về đất đai, khai thác trái phép cát, đá, sỏi, chặt phá rừng, ô nhiễm môi trường; các giải pháp từ rà soát, quy hoạch, cấp giấy phép đến khai thác, sử dụng tài nguyên đã được tổ chức triển khai khá đồng bộ.

Việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí và báo cáo kết quả còn chưa nghiêm

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, công tác THTK,CLP năm 2019 còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, đến thời điểm tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn 4/35 bộ, cơ quan Trung ương, 7/63 tỉnh, thành phố không gửi báo cáo kết quả THTK,CLP. Việc ban hành Chương trình THTK,CLP báo cáo kết quả THTK,CLP trong năm 2019 ở một số Bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương còn chưa nghiêm. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm, thể hiện ý thức chưa nghiêm của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của Luật THTK,CLP.

Trong quản lý, sử dụng NSNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, việc cơ cấu lại ngân sách và kỷ luật thu chi ngân sách đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn bất cập, hạn chế. Việc chậm giải ngân kế hoạch vốn đầu tư, chậm giao vốn... dẫn đến chuyển tiếp kéo dài, lãng phí nguồn lực; nhiều địa phương giải ngân đạt thấp; một số bộ, ngành, địa phương phân bổ vốn cho dự án không đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí; dàn trải, kéo dài thời gian thực hiện,... Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia (dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành) vẫn còn nhiều vướng mắc. Một số dự án phải lùi tiến độ, tăng thêm vốn, tổng mức đầu tư gây tốn kém làm đảo lộn các kế hoạch, đề án phát triển, quy hoạch đô thị khác (Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội).

Việc tinh giản biên chế các cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm chi ngân sách còn bất cập; thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, mức độ tự chủ chưa cao, khó đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2021.  Một số loại tài sản chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc thù của các ngành, diện tích trụ sở chuyên dùng, công trình sự nghiệp chuyên dùng chưa có tiêu chuẩn, định mức hoặc chưa phù hợp với thực tế. Công tác quản lý sử dụng đất đai vẫn còn hạn chế. Tình trạng hoang hóa, lấn, chiếm sử dụng không đúng mục đích đất vẫn xảy ra…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019

Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, các tồn tại, hạn chế trong THTK,CLP năm 2019 xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong THTK,CLP.

Tập trung ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục kinh tế

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản tán thành với các mục tiêu, giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ THTK, CLP năm 2019 đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các mục tiêu, giải pháp đã đề ra trong Báo cáo và lưu ý một số nội dung sau:

Một là, kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, Báo cáo kết quả THTK,CLP; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật THTKCLP.

Hai là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền việc thực hiện Luật THTK,CLP nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về Luật THTK, CLP.

Ba là, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam và thế giới, ảnh hưởng lớn đến thu, chi ngân sách, cần có biện pháp sắp xếp lại thu, chi ngân sách, cân đối ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định. Giao thêm chỉ tiêu tiết kiệm NSNN năm 2020 trong tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài... Tập trung ngân sách để đảm bảo an sinh xã hội, khôi phục kinh tế; quyết liệt chỉ đạo để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-NSNN, thực hiện tốt chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ theo các Nghị quyết của Quốc hội; Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức và cá nhân vi phạm, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân gây chậm trễ việc thực hiện kế hoạch đầu tư công làm thất thoát, lãng phí nguồn lực của nhà nước.

Năm là, tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lạm dụng chính sách.

Sáu là, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán, quản lý theo kết quả đầu ra đối với một số lĩnh vực; ban hành đầy đủ các văn bản quy định, các hướng dẫn để thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; phát triển mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giảm thủ tục phiền hà, tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đề án tiền lương, thu nhập, bảo đảm thực hiện tốt chủ trương của Đảng theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018.

Bảy là, tập trung triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, sử dụng lao động, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận

Sau khi nghe báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận để đánh giá về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019; đánh giá về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của luật so sánh với các năm trước đây; xem xét chất lượng báo cáo đã đủ điều kiện để gửi đến đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xem xét trong Kỳ họp thứ 9 tới./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh