ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ KẾT QUẢ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2019

22/04/2020

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, sáng 22/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, ghi nhận những kết quả đạt được, đồng thời lưu ý những tồn tại hạn chế, nghiêm khắc phê bình những cơ quan, đơn vị chậm báo cáo, không thực hiện nghiêm quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội. Qua các báo cáo cho thấy, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) trên các lĩnh vực tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn, có đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2019, tạo thêm và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, công tác THTKCLP trong từng lĩnh vực cũng còn những khó khăn, hạn chế. Vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc ở một số bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, như chậm ban hành Chương trình THTKCLP năm 2019; chậm báo cáo THTKCLP.

Không chỉ đẩy mạnh ở khu vực công mà cần thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong toàn xã hội

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chia sẻ qua kinh nghiệm và ứng phó xử lý Covid-19 thời gian qua đã gợi ra cho tất cả chúng ta phải nhìn nhận lại cách sống, cách kiểm soát để từ đó có hướng thay đổi các lễ hội, giao lưu…thì sẽ tiết kiệm được rất lớn không chỉ của Nhà nước mà của toàn xã hội.

Bày tỏ đồng tình với cách đặt vấn đề của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết từ đầu năm đến nay đã tiết kiệm được rất nhiều cho đất nước, rất nhiều khoản tiết kiệm bình thường chưa làm được mà trong tình hình dịch bệnh đã thực hiện được tiết kiệm cho đất nước rất nhiều. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, báo cáo của Chính phủ mới tập trung nhiều ở lĩnh vực công, trong khi mục tiêu của Luật Thực hành tiết kiệm,chống lãng phí còn hướng đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở khu vực của xã hội, của người dân.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nói đến tiết kiệm, chống lãng phí thì không phải tiết kiệm tiền bạc mà trước hết là thời gian lao động, sức lao động, tiền bạc, tài sản, tài nguyên. Thời gian lao động, tiền bạc, tài sản, tài nguyên nằm ở trong quá trình sản xuất kinh doanh, trong quá trình vận hành bộ máy hành chính nhà nước của cả hệ thống chính trị, trong chi tiêu thường xuyên, trong chi tiêu đầu tư công. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong đầu tư công hay chi tiêu công không chỉ có lãng phí khi chi tiền mà còn từ khâu chủ trương, lãng phí từ chủ trương cho tới thực hiện. Khi có chủ trương đúng nhưng thực hiện chậm, kéo dài, giải ngân không được coi như lãng phí. Nếu tiết kiệm được thời gian dẫn đến tiết kiệm được sức lao động, nhân lực và tiết kiệm tiền bạc bỏ ra, chi phí sẽ giảm đi. Thủ tục hành chính công mà làm nhanh thì người dân đỡ mất thời gian, công sức, đỡ tốn kém phải đi tới, đi lui nhiều lần.

Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ hiện nay còn một số mảng để xảy ra lãng phí. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong vụ việc xuất khẩu gạo vừa qua, theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế thống kê quá trình diễn biến cho thấy những khó khăn, lúng túng trong thực hiện dẫn đến gây lãng phí của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới người trồng lúa. Hay nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục hành chính. Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi vấn đề trách nhiệm ở đâu? Có lãng phí hay không? Lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ở đây là phần trách nhiệm của bộ máy công vụ để giải quyết những thủ tục hành chính cho người dân và cho doanh nghiệp mới gọi thực là tiết kiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, hiện nay lễ hội quá nhiều. Mặc dù nói không sử dụng ngân sách nhưng huy động của xã hội, tiền của doanh nghiệp tiền đóng góp của các tổ chức, cá nhân thì vẫn là lãng phí. Thay vì huy động tài trợ để làm cầu, đường nông thôn, giúp dân xóa đói giảm nghèo, hay là huy động tham gia ứng phó biến đổi khí hậu thì lại huy động sức để bắn pháo hoa, để tổ chức lễ hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ lập lại trật tự trong lĩnh vực lễ hội, kể cả việc huy động, để tất cả những nguồn lực đó dành cho dân, cho cuộc sống của Nhân dân, giảm bớt những tiêu dùng xa xỉ nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận đánh giá về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019; đánh giá về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của luật so sánh với các năm trước đây.

Không để tồn tại, hạn chế ở năm 2019 lặp lại ở năm 2020

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sau khi nghe Báo cáo về tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách và qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ khá toàn diện và đã đánh giá đầy đủ các lĩnh vực cần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Công tác điều hành của Chính phủ có nhiều tiến bộ và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 đạt được những kết quả tích cực hơn so với năm 2018 trên tất cả lĩnh vực.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng cần phải phân tích sâu hơn một số tồn tại, hạn chế trong điều hành của một số cấp, ngành, dẫn tới chưa thật sự tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp, dẫn tới lãng phí cho xã hội, cho doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghiêm khắc phê bình các bộ, ngành đến nay vẫn chưa có báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tình trạng này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhắc nhở, phê bình thời điểm năm trước, nhưng năm nay vẫn tiếp diễn. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cần chỉ rõ các địa phương này và kiến nghị Quốc hội phê bình nghiêm khắc.

Nhất trí với những tồn tại, hạn chế trong Báo cáo kết thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ đã trình bày, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh thêm: Công tác triển khai đầu tư công làm chưa tốt, triển khai đầu tư công chậm, giải ngân chậm, kỷ luật tài chính tuy tiến bộ nhưng vẫn chưa nghiêm, vi phạm về kinh tế còn lớn; quản lý tài sản công thì chưa thật chặt chẽ, quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ rừng cũng chưa thật tốt. Các chính sách, thủ tục hành chính chưa thật sự cải cách một cách tích cực. Xử lý các tồn tại, yếu kém, nhất là trong doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm. Vấn đề lễ hội cũng cần phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Cơ bản nhất trí với những kiến nghị của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần thực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí một cách quyết liệt hơn, phải tập trung để giải quyết tốt các tồn tại, yếu kém đã diễn ra trong năm 2019, để không còn mắc lại trong năm 2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý năm 2020 phải tính tới tình trạng dịch Covid-19, quan hệ xã hội, kinh doanh, sản xuất, điều hành cũng phải có những thay đổi, phải đặc biệt chú ý đến công tác xử lý những hỗ trợ của nhà nước bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả, phải đến tay người dân, đồng thời có xử lý kịp thời trong tình hình mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ, Ủy ban Tài chính sách- Ngân sách trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh lại báo cáo để gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9./.

Bảo Yến