THẨM TRA VIỆC BỔ SUNG SÁCH GIÁO KHOA VÀO DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ BẰNG HÌNH THỨC TỐI ĐA

14/07/2020

Chiều ngày 14/7, theo chương trình phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa

Trình bày báo cáo thẩm tra về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở Tờ trình số số 314/TTr-CP của Chính phủ về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã tiến hành họp toàn thể để thẩm tra nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, hiện nay sách giáo khoa là một trong những vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu của học sinh các cấp học, có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Theo quy định hiện hành, sách giáo khoa không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, theo đó thẩm quyền quyết định giá sách giáo khoa thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách nên thời gian qua giá sách giáo khoa ở mức khá cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí mua sách giáo khoa của phụ huynh và học sinh. Do đó, cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này khi giá sách giáo khoa chưa thực sự được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có chủ trương lớn là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, do đó, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là chưa phù hợp với mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết của Quốc hội và trái với nguyên tắc thị trường, chưa phù hợp với quy định của Luật Giá. Mặt khác, để đảm bảo mức giá phù hợp trong cơ chế thị trường thì Chính phủ cần có cơ chế để mở rộng đối tượng được in ấn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm có nhiều nhà cung cấp cùng sản phẩm, từ đó góp phần giảm giá bán sản phẩm.

Có ý kiến đề nghị đưa mặt hàng sách giáo khoa vào mặt hàng Nhà nước bình ổn giá và Nhà nước sẽ đặt hàng hoặc độc quyền phát hành sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra 

Về thẩm quyền bổ sung danh mục, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhất trí về thẩm quyền của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa là phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật Giá “Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”. Đồng thời, để kịp thời phục vụ nhiệm vụ năm học mới, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 đang tác động lớn đến hoạt động của ngành giáo dục, thu nhập của người dân.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, sản phẩm sách giáo khoa không thuộc diện hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Giá: “Nhà nước định giá đối với: a) Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; b) Tài nguyên quan trọng; c) Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.”. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa như Tờ trình của Chính phủ. Trường hợp thực sự cần thiết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Giá.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, qua xem xét hồ sơ theo Tờ trình số 314/TTr-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ nhận thấy hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (chưa có dự thảo văn bản, Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, Báo cáo tác động của việc ban hành chính sách; tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan...). Do đó, đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ hồ sơ theo quy định để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định./.

Bảo Yến - Bùi Hùng

Các bài viết khác