ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE THẨM TRA VỀ MỨC THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NHIÊN LIỆU BAY

14/07/2020

Thực hiện Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 14/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Thực hiện nhiệm vụ được phân công, trên cơ sở Tờ trình số 312/TTr-CP ngày 01/7/2020 của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020, ngày 10/7/2020, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tổ chức họp toàn thể để thẩm tra về dự thảo Nghị quyết trên.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020 như Tờ trình của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hàng không trong giai đoạn hiện nay.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Một số ý kiến cho rằng, nhiên liệu bay không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá theo quy định của Luật Giá và thực tế hiện nay chỉ có một số ít các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cung cấp sản phẩm nhiên liệu bay. Do đó, việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay nhưng có thể các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu không giảm giá bán thì các doanh nghiệp vận tải hàng không cũng không được hưởng lợi từ chính sách này. Vì vậy, đề nghị không ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm nhiên liệu bay mà nghiên cứu để hoàn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay cho các hãng hàng vận tải hàng không bằng mức giảm như Tờ trình của Chính phủ để bảo đảm chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến được đối tượng cần hỗ trợ.

Có ý kiến cho rằng, mục tiêu của thuế bảo vệ môi trường là nhằm vào các sản phẩm, hàng hóa gây ảnh hưởng xấu đến môi trường để điều tiết, hạn chế tiêu dùng. Do đó, việc Chính phủ trình giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nguyên liệu bay là chưa thực sự phù hợp với mục tiêu ban hành sắc thuế bảo vệ môi trường. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng các giải pháp khác như giảm thuế giá trị gia tăng, phí cất cánh, hạ cánh, cắt giảm các thủ tục hành chính trong kinh doanh vận tải hàng không, giảm lãi suất vay...

Về hồ sơ dự án Nghị quyết: Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, hồ sơ dự án Nghị quyết đã bao gồm Tờ trình, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và đánh giá tác động của chính sách. Đồng thời, theo quy định tại Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay thuộc các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Do đó, nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Về hình thức ban hành Nghị quyết: Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, dự thảo Nghị quyết đang quy định một mức thuế đối với nhiên liệu bay thấp hơn mức thuế được quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường và được áp dụng kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020. Như vậy, sẽ có một khoảng thời gian tồn tại hai mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay ở hai Nghị quyết khác nhau là chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị cần điều chỉnh hình thức Nghị quyết theo hướng ban hành Nghị quyết sửa đổi mức thuế đối với nguyên liệu bay được quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó quy định mức thuế đối với nhiên liệu bay gồm 2 mức ở hai thời điểm khác nhau, từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020 và từ ngày 01/01/2021.

Về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay: Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, kinh nghiệm quốc tế tại một số nước đã áp dụng các biện pháp giảm thuế, miễn thuế đối với nhiên liệu bay (Trung Quốc thực hiện miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay; Úc miễn thuế tiêu thụ nhiên liệu hàng không, phí dịch vụ hàng không nội địa và phí an ninh hàng không; Ấn Độ tạm thời dừng hầu hết các loại thuế trong ngành hàng không; Thái Lan giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng cho các đường bay nội địa...).

Theo Tờ trình của Chính phủ do tác động của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp vận tải hàng không sụt giảm doanh thu lớn, thua lỗ và mất cân đối thanh toán, đối mặt với nguy cơ phá sản cao (khó bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động). Tác động tới giảm thu ngân sách Nhà nước khi thực hiện chính sách điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay như Tờ trình của Chính phủ là không lớn (nếu quy định mức thuế 2.100 đồng/lít thì dự kiến tác động làm giảm thu ngân sách Nhà nước chỉ khoảng 72-80 tỷ đồng/tháng). Do đó, để tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với các hãng hàng không, đa số ý kiến đề nghị cần điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 30% lên 50% (tương ứng với mức 1.500 đồng/lít) so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện hành (mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít) hoặc có thể điều chỉnh giảm ở mức cao hơn.

Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, theo đó quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít (bằng 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH ngày 26/9/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường), thời gian áp dụng kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020.


Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 14/7.

Về thời điểm hiệu lực của Nghị quyết: Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì “văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành”. Tuy nhiên, nếu quy định như dự thảo Nghị quyết thì khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký ban hành phải có hiệu lực ngay, khi đó sẽ không đảm bảo thời gian để các cơ quan của Chính phủ triển khai đến các cục thuế địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu để thực hiện việc điều chỉnh cơ cấu giá bán sản phẩm. Do đó, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị quy định hiệu lực thi hành của Nghị quyết từ ngày 20/7/2020 (hoặc ngày 25/7/2020) thay vì kể từ ngày ký (dự kiến ngày 15/7/2020 thông qua Nghị quyết này). Một số ý kiến đề nghị cần quy định việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết này trong trường hợp đến cuối năm 2020 tình hình dịch bệnh Covid 19 vẫn diễn biến phức tạp, theo đó có thể ủy quyền cho Chính phủ căn cứ vào tình hình dịch bệnh, quyết định thời gian kéo dài việc áp dụng Nghị quyết này.

Trên đây là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

Bích Lan-Minh Hùng

Các bài viết khác