TRÌNH UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT QUYẾT ĐỊNH BỔ SUNG SÁCH GIÁO KHOA VÀO DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ

14/07/2020

Chiều ngày 14/7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 46, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung sách giáo khoa và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu rõ, việc triển khai đổi mới sách giáo khoa phổ thông thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH14 đã có ưu điểm như thu hút được đông đảo đội ngữ trí thức, nhà giá, chuyên gia giới tham gia nên có sự cạnh tranh về mặt chất lượng, nội dung sách. Sách giáo khoa sẽ có thể có nội dung hay hơn, hình thức, chất lượng tốt hơn. Nhiều nhà xuất bản tham gia nên việc in ấn, phát hành diễn ra trong môi trường cạnh tranh, không còn dư luận về việc độc quyền như trước đây. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ có sự cạnh tranh giữa các Nhà xuất bản thông qua giá cả và chất lượng sách; có thể xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hình thức điều tiết giá hoặc tự định giá sách giáo khoa ở mức cao; mức giá bán cao thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn sách.

Mặt khác, qua so sánh ba phương án đã kê khai của sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm học 2020-2021 với các cuốn sách giáo khoa đã kê khai giá của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam năm 2019 thì cùng một quyển sách giáo khoa có thể dẫn đến mặt bằng giá cao hơn khoảng hơn 2 lần. Bên cạnh đó, do tác động của nhiều nguyên nhân như sản lượng in, chi phí tuyên truyền tiếp thi quảng cáo hướng dẫn sử dụng, các chi phí trước đây được Nhà nước hỗ trợ như chi phí bản thảo, dạy thực nghiệm, nhuận bút…đến nay các Nhà xuất bản phải chủ động chi trả…sẽ làm giá thành sách giáo khoa tăng lên.

Trên thực tế, sách giáo khoa là một trong những vật tư, thiết bị giáo dục thiết yếu của học sinh các cấp hiện nay. Do đó giá sách giáo khoa có tác động lớn đến đời sống xã hội. Theo thống kê giáo dục năm 2017-2018, cả nước có khoảng 15,9 triệu học sinh phổ thông nên việc điều chỉnh tăng giá sách giáo khoa đều có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước và tâm ký người dân.

Theo Chính phủ, việc thực hiện kê khai giá chưa đủ để điều tiết công bằng trong in ấn phát hành sách giáo khoa như mong muốn, Nhà nước không điều tiết được giá có thể làm ảnh hưởng đế an sinh xã hội đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Một lý do khác được Chính phủ đưa ra là nếu không có cơ chế điều tiết giá dẫn đến có sự chênh lệnh về giá giữa các Nhà xuất bản và có thể nảy sinh tiêu cực trong quá trình lựa chọn bộ sách giáo khoa cho học sinh. Do đó Chính phủ cho rằng, việc Nhà nước điều tiết giá sách giáo khoa bằng hình thức định giá là cần thiết.

Căn cứ khoản 4 Điều 19 Luật Giá: “Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thực giá tối đa.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết thêm việc đưa mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tạo sự công khai minh bạch về giá sách giáo khoa. Đây là công cụ để thực hiện điều tiết giá đối với mặt hàng sách giáo khoa, khắc phục những điểm yếu của việc kê khai giá sách hiện nay.

Hơn nữa, việc quy định giá tối đa đối với mặt hàng sách giáo khoa sẽ tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Nhà xuất bản thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tiết kiệm, ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh, góp phần đảm bảo sự công bằng giữa các nhà xuất bản. Đối với người tiêu dùng cũng sẽ được tiếp cận sách với giá hợp lý.

Sau khi nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội và thảo luận cho ý kiến về vấn đề này./.

Bảo Yến - Bùi Hùng

Các bài viết khác