ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO VỀ MỨC THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI NHIÊN LIỆU BAY

14/07/2020

Thực hiện Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều ngày 14/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020 (gọi chung là dự án Nghị quyết).

Căn cứ nguyên tắc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường tại Luật thuế bảo vệ môi trường, ngày 26/9/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019), trong đó quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít (mức trần trong khung thuế).


Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai.

Qua tổng kết, đánh giá cho thấy, chính sách thuế bảo vệ môi trường nói chung đã đạt được những kết quả: Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật về thuế bảo vệ môi trường;  Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế; Khuyến khích phát triển kinh tế bền vững đi liền giảm ô nhiễm môi trường; Động viên hợp lý sự đóng góp của xã hội vào ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020, Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn thu trong nước. Tổng số thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2012-2019 khoảng 260.728 tỷ đồng, bình quân khoảng 32.591 tỷ đồng/năm. Số thu thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bình quân giai đoạn 2015-2019 là gần  2.940 tỷ đồng/năm.

Từ tháng 12/2019, đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Nhiều ngành, nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành vận tải do việc hạn chế đi lại cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn. Một trong những ngành vận tải ảnh hưởng nặng nề nhất là vận tải hàng không.

Theo đánh giá thì thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng. Số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh. Vietnam Airlines phải thực hiện ngừng việc với hơn 6.000 lao động. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm hơn 49.000 tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16.000 tỷ đồng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 17.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự báo thị trường vận chuyển năm 2020, nếu dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6/2020, có tính đến hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với năm 2019. Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so cùng kỳ).  

Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát ở Việt Nam, nhưng tình hình dịch tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp. Lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế nhập cảnh tại các quốc gia nhiều khả năng vẫn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chỉ cho phép nhập cảnh đối với người nước ngoài là các chuyên gia, nhà ngoại giao, chưa cho phép nhập cảnh đối với khách du lịch.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết: Do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp hàng không đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động. Sự ngưng trệ của ngành hàng không cũng mang lại những tác động tiêu cực đến sự phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm thương mại, dịch vụ, du lịch… Bởi vai trò quan trọng của ngành hàng không trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hoá.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và các doanh nghiệp hàng không nói riêng trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo phù hợp với nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường cụ thể tại Luật thuế bảo vệ môi trường thì việc đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là một trong những giải pháp cần thiết.


Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều ngày 14/7.

Theo quy định tại Điều 146 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật về các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, trong đó có trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; để kịp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ trực tiếp đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Để thực hiện được mục tiêu, quan điểm đã nêu trên, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay như sau:

- Từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020: mức thuế là 2.100 đồng/lít (bằng 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường).

- Từ ngày 01/01/2021 trở đi: mức thuế tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký đến hết ngày 31/12/2020.

Đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng: Việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với nguyên tắc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường quy định tại Luật thuế Bảo vệ môi trường.

Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, qua đó gián tiếp thúc đẩy một số ngành nghề khác như thương mại, du lịch, dịch vụ,… là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn sau dịch.

Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít là đảm bảo các nguyên tắc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường, cụ thể:

- Đảm bảo nguyên tắc mức thuế bảo vệ môi trường phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ: Trước bối cảnh dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường là một giải pháp cần thiết để góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không qua đó gián tiếp thúc đẩy một số ngành nghề khác như thương mại, du lịch, dịch vụ,… góp phần phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19.

- Đảm bảo nguyên tắc mức thuế bảo vệ môi trường được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của nhiên liệu bay: việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay vẫn đảm bảo trong khung mức thuế bảo vệ môi trường đã được quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường (từ 1.000-3.000 đồng/lít). Việc quy định khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 1.000-3.000 đồng/lít đã căn cứ theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của nhiên liệu bay.

Tác động đối với nền kinh tế

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nên chi phí thuế bảo vệ môi trường sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường. Với việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2020 sẽ góp phần trực tiếp giảm giá nhiên liệu bay, cụ thể giá nhiên liệu bay chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng giảm tương ứng là 900 đồng/lít và giá nhiên liệu bay sau thuế giá trị gia tăng giảm tương ứng là 990 đồng/lít. Nhiên liệu bay là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu để vận hành các chuyến bay.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định: Việc giảm giá nhiên liệu bay là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của ngành hàng không, làm giảm chi phí nguyên liệu đầu vào của ngành hàng không. Trong bối cảnh tình hình tài chính của các doanh nghiệp hàng không hiện tại và dự kiến sẽ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới do tác động của dịch Covid-19, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, góp phần giúp doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, tăng doanh thu, bù đắp chi phí, giảm tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho ngành hàng không.

Mặt khác, ngành hàng không có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong nền kinh tế hội nhập. Bên cạnh vai trò chính là huyết mạch trong hệ thống giao thông vận tải thì ngành hàng không còn góp phần thúc đẩy phát triển một số ngành nghề khác. Do đó, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, phát triển trong tương lai, góp phần gián tiếp khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn khác như thương mại, du lịch, dịch vụ...

Tác động về mặt xã hội (việc làm): Việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm chi phí bay, gián tiếp tạo nguồn tài chính cho doanh nghiệp vận hành hoạt động, từ đó góp phần duy trì, phát triển doanh nghiệp, góp phần gia tăng nhu cầu sử dụng lao động, hạn chế tình trạng cắt giảm lao động. Về lâu dài, khi ngành hàng không vượt qua khủng hoảng và phát triển thì lượng lao động trong ngành hàng không sẽ tăng lên. Tuy nhiên, mức độ tác động cụ thể đến số lượng việc làm trong ngành hàng không còn phụ thuộc vào mức độ hồi phục, phát triển của ngành hàng không dựa trên nhiều yếu tố khác như mức độ công nghệ, kỹ thuật quản trị doanh nghiệp,…

Tác động đến thu ngân sách nhà nước: Dự báo 5 tháng cuối năm 2020, các hãng hàng không sẽ khôi phục lại toàn bộ đường bay nội địa, một số đường bay quốc tế, mở thêm đường bay nội địa mới cùng với chính sách đẩy mạnh hoạt động vận chuyển hàng hóa, nên lượng nhiên liệu tiêu thụ trong 5 tháng cuối năm 2020 ước tính bằng khoảng 75-83% cùng kỳ. Với việc thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lít xuống 2.100 đồng/lít đến hết ngày 31/12/2020, giảm 900 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng cũng giảm tương ứng 10% mức giảm thuế bảo vệ môi trường là 90 đồng/lít, khi đó, sẽ làm số thu bảo vệ môi trường giảm khoảng 72 - 80 tỷ đồng/tháng.

Tác động về thủ tục hành chính và bình đẳng giới: Dự án Nghị quyết không quy định về thủ tục hành chính và vấn đề bình đẳng giới, do đó không phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và không gây bất bình đẳng về giới.

Với những nội dung của dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020, căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn./.

Bích Lan-Minh Hùng

Các bài viết khác