ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE DỰ THẢO QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

22/02/2021

Theo chương trình Phiên họp 53, chiều 22/02, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày về việc xây dựng dự thảo Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, Đoàn ĐBQH và VPQH.

 

Tại Phiên họp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển nêu rõ: Trên cơ sở Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (Nghị quyết 887/NQ-UBTVQH12 ngày 5/3/2010). Tuy nhiên, sau 11 năm thực hiện, nhiều quy định của Quy chế quản lý khoa học không còn phù hợp, cụ thể là: Có nhiều quy định của Quy chế quản lý khoa học không còn phù hợp Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như: Các quy định về thời hạn đăng ký, tuyển chọn, phê duyệt đề tài; các quy định về việc đánh giá nghiệm thu; cổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ; dự toán, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài....

Có nhiều quy định của Quy chế quản lý khoa học không phù hợp với đặc thù và yêu cầu về quản lý khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, cụ thể là chưa phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học trong điều kiện chỉ có một Viện nghiên cứu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong khi các cơ quan của Quốc hội, các ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đủ điều kiện làm cơ quan chủ trì theo quy định của pháp luật về Khoa học và Công nghệ. Thời gian triển khai một đề tài khoa học cấp Bộ là quá dài so với yêu cầu cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho các dự án Luật trình ra Quốc hội; chưa có sự tương thích giữa việc lập dự toán kinh phí theo quy định chung với yêu cầu hoạt động nghiên cứu khoa học phải góp phần phục vụ trực tiếp và hiệu quả cho việc xem xét, thông qua các dự án Luật tại các kỳ họp của Quốc hội; chưa có quy định về đề tài/đề án khoa học cấp bộ đột xuất, trọng điểm, dự án điều tra cơ bản kinh tế-xã hội, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, các hoạt động khoa học chung...


Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển trình bày về việc xây dựng dự thảo Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Có nhiều quy định của Quy chế quản lý khoa học chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ các nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể như: quy định điều kiện để cá nhân được đăng ký làm chủ nhiệm; quy định về thời gian vật chất tối thiểu bảo đảm việc triển khai thực hiện; quy định về sản phẩm bắt buộc cung cấp cho các Đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội; các quy định về quy trình quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ vẫn còn chưa chặt chẽ, đầy đủ, đồng bộ; chưa bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch; chưa có chế tài cụ thể khi có vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ…

Từ các lý do trên cho thấy cần thiết phải ban hành Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ mới thay thế cho Quy chế quản lý khoa học (QLKH) hiện hành nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác nghiên cứu và quản lý khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

Mục tiêu sửa đổi quy chế

Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu và tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong thực hiện các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Nội dung cơ bản của Dự thảo quy chế

Dự thảo Quy chế quản lý khoa học gồm 9 chương, 42 Điều, kèm theo là Phụ lục với các biểu mẫu. So với Quy chế quản lý khoa học hiện hành thì Dự thỏa Quy chế thay đổi cơ bản về cấu trúc và giảm 32 điều so với Quy chế hiện hành (Quy chế QLKH hiện hành có 74 điều). So với Quy chế quản lý khoa học hiện hành, dự thảo Quy chế có một số sửa đổi, bổ sung chính như sau:

Sửa đổi tên và phạm vi điều chỉnh của Quy chế cho phù hợp với quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và đặc thù hoạt động nghiên cứu và quản lý khoa học của Quốc hội. Trong đó, bổ sung Đoàn Đại biểu Quốc hội cũng là chủ thể tham gia hoạt động khoa học; bổ sung một số hình thức thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ như: các hoạt động khoa học chung; đề tài, đề án khoa học cấp bộ đột xuất, trọng điểm, dự án điều tra cơ bản kinh tế - xã hội, nhiệm vụ bảo vệ môi trường….nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ trong thực tiễn.

Dự thảo Quy chế quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện đối với Chủ nhiệm chương trình, Chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ và cấp cơ sở cũng như xác định rõ những trường hợp không được đăng ký đề tài/đề án; quy định cụ thể, chi tiết trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vào quá trình thực hiện đề tài phù hợp với đặc thù hoạt động khoa học trong các cơ quan Quốc hội.


 Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển, dự thảo có nhiều quy định mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu trong các cơ quan Quốc hội, như: quy định nhằm tăng tính cạnh tranh trong việc tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học; nâng cao tiêu chuẩn làm chủ nhiệm, cộng tác viên chính các nhiệm vụ khoa học, nhất là các đề tài cấp bộ; quy định chặt chẽ hơn về sản phẩm trung gian phải đăng trên các tạp chí uy tín. Ngoài các sản phẩm chung, dự thảo Quy chế quy định mỗi đề tài/đề án cấp Bộ phải có một báo cáo chuyên đề gửi đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội khi thảo luận về những nội dung có liên quan đến chủ đề được đề tài nghiên cứu Khi đề tài được bảo vệ thành công thì công trình phải được phổ biến công khai trong các cơ quan Quốc hội để khai thác, sử dụng; về việc phổ biến dưới dạng xuất bản đối với các đề tài/đề án cấp bộ đạt loại xuất sắc.

Dự thảo có nhiều quy định mới nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý khoa học, như: quy định cụ thể trách nhiệm của Viện Nghiên cứu lập pháp, của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong xây dựng định hướng nghiên cứu khoa học dài hạn; quy định rõ hơn về thành phần, quy trình, thủ tục tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ khoa học; quy định cụ thể thời điểm, nội dung, thủ tục kiểm tra tiến độ và đánh giá giữa kỳ; tăng số lượng các nhà khoa học tham gia vào các Hội đồng tư vấn, đánh giá, nghiệm thu và đổi mới cách thức chấm điểm các nhiệm vụ khoa học; quy định rõ những trường hợp không đủ điều kiện đăng ký thực hiện, tham gia các hoạt động khoa học; rút ngắn thời gian thực hiện đề tài cấp bộ so với quy định hiện hành.

Ngoài những nội dung lớn như trên, Ban soạn thảo còn xây dựng Phụ lục chi tiết, cụ thể kèm theo, bao gồm nhiều biểu mẫu tương ứng với từng hoạt động quản lý, bảo đảm hoạt động quản lý khoa học nề nếp, thuận lợi, chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả hơn.

Một số nội dung xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong quá trình xây dựng dự thảo Quy chế, vẫn còn có một vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cụ thể như sau:

Về tiêu chuẩn cá nhân là Chủ nhiệm đề tài/đề án khoa học cấp Bộ (Điều 7 dự thảo Quy chế): So với Quy chế hiện hành, dự thảo Quy chế quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn cá nhân là Chủ nhiệm đề tài/ đề án khoa học cấp Bộ nhằm mục đích nâng cao chất lượng và năng lực nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài. Trong đó, quy định rõ người đăng ký làm Chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học cấp Bộ phải “Có học vị tiến sĩ trở lên; hoặc có học vị cao nhất là thạc sĩ và có thời gian công tác tại các cơ quan Quốc hội từ 8 năm trở lên; hoặc có học vị cao nhất là cử nhân và có thời gian công tác ở cơ quan Quốc hội từ 10 năm trở lên” (điểm a khoản 2 Điều 7 Dự thảo). Đa số ý kiến tán thành với quy định trên, tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, theo đó tiêu chuẩn cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm là: “có trình độ đại học trở lên” (điểm a khoản 1 Điều 21 Quy chế QLKH hiện hành).

Về Phụ lục gồm các biểu mẫu kèm theo (Điều 42 dự thảo Quy chế): Dự thảo Quy chế (Điều 42) được xây dựng theo 02 phương án. Phương án 1: Xây dựng các phụ lục của Quy chế, bao gồm một loạt các biểu mẫu, hợp đồng và được ban hành kèm theo Nghị quyết. Phương án này có ưu điểm là bảo đảm tính đồng bộ, khi Nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì có thể triển khai ngay, tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, quy định như vậy sẽ không bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp muốn thay đổi biểu mẫu để phù hợp với yêu cầu quản lý. Do Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan ban hành Nghị quyết (kèm theo Quy chế và Phụ lục) nên trường hợp cần thay đổi biểu mẫu thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới là cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi các biểu mẫu này.

Phương án 2: Bỏ nội dung dẫn chiếu trong dự thảo Quy chế và các biểu mẫu kèm theo; theo đó bổ sung thêm tại Điều 42 dự thảo Quy chế: “Căn cứ vào Quy chế này và các quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, Viện Nghiên cứu lập pháp xây dựng các biểu mẫu, hợp đồng mẫu phục vụ cho hoạt động quản lý khoa học trong các cơ quan Quốc hội”. Phương án này có ưu điểm bảo đảm sự chủ động, linh hoạt, cập nhật kịp thời hơn trong quá trình quản lý hoạt động khoa học khi các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học công nghệ có thay đổi, cần điều chỉnh các biểu mẫu phục vụ yêu cầu quản lý. Viện Nghiên cứu lập pháp đồng ý với phương án 2.

Với Tờ trình tóm tắt về việc xây dựng Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Viện Nghiên cứu lập pháp trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.

Bích Lan-Minh Hùng