Phiên họp thứ Bảy của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

15/04/2012

* Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng: Cần đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực thi chính sách * Dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật: Nội dung giáo dục pháp luật phải bảo đảm cung cấp những kiến thức cơ bản cần có cho mỗi công dân

Sáng 13.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng.

 

Báo cáo kết quả giám sát do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày nêu rõ, chính sách ưu đãi người có công là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện tinh thần Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa. Cùng với sự phát triển của đất nước, các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã từng bước được hoàn thiện, đến nay đã tương đối toàn diện, bao quát được hầu hết các đối tượng người có công. Về cơ bản, các chính sách ưu đãi bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Mức trợ cấp ưu đãi người có công thường xuyên được điều chỉnh phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài chính sách trợ cấp ưu đãi, Nhà nước còn có chế độ chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở; ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm thêm; miễn, giảm thuế... đối với người có công với cách mạng và thân nhân của người có công. Nhìn chung, đời sống của người có công được ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân nói chung và của người có công nói riêng đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN trong sự nghiệp phát triển đất nước. Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người có công vẫn còn gặp khó khăn do những đối tượng này không còn sức lao động, không có nguồn thu nhập ổn định, sự giúp đỡ của xã hội chưa đủ để giúp họ vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. 

 

Các Ủy viên UBTVQH ghi nhận, Báo cáo kết quả giám sát chi tiết và khá đầy đủ, phản ánh được thực tế tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về người có công, nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về người có công để tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách này trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, phần hạn chế, khó khăn, vướng mắc được nêu trong Báo cáo kết quả giám sát chưa đề cập tới khía cạnh chưa công bằng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công. Đảng và Nhà nước đã có chủ trương đúng đắn và ban hành cơ chế cụ thể, nhưng người thi hành chính sách, pháp luật này chưa thực hiện hết trách nhiệm, thậm chí chưa đúng với lương tâm. Vẫn còn trường hợp, cùng là thương binh nhưng có người được hưởng chính sách, người không được hưởng; thậm chí có nhiều trường hợp thương binh giả. Đây là những vấn đề có thật, gây bất bình trong xã hội, vì vậy, Phó chủ tịch QH đề nghị, Báo cáo kết quả giám sát cần nêu rõ vấn đề này để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trăn trở, một số chế độ ưu đãi tuy đã được quy định trong Pháp lệnh, nhưng do chưa nhận thức đầy đủ hoặc khác nhau, dẫn tới thực trạng một số địa phương thực hiện và một số địa phương chưa thực hiện được, yêu cầu làm rõ việc thực hiện lỗ chỗ của các địa phương là do ai chịu trách nhiệm và xử lý như thế nào? Đa số các ý kiến đề nghị, Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng với thẩm quyền. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cần phải đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách; coi trọng và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về người có công; đồng thời coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý các vi phạm trong địa bàn do mình quản lý. 

 

Đa số ý kiến tán thành với việc UBTVQH ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát này để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật về người có công trong thời gian tới. Trong Nghị quyết nên tập trung vào những nội dung cụ thể có khả năng giải quyết ngay như: công nhận liệt sỹ mất tin, mất tích; cải thiện chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người có công, dựa trên tiêu chí mức sống đặt trong mặt bằng chung của cộng đồng dân cư; giải quyết hỗ trợ nhà ở đối với người có công; rà soát, giải quyết các vấn đề tồn đọng, nhằm thực hiện chính sách nhanh hơn, hiệu quả hơn, công bằng hơn. Bên cạnh đó, cần đề ra lộ trình thực hiện phù hợp, nhằm bảo đảm chính sách này được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn, thể hiện đúng sự quan tâm, chăm sóc của Nhà nước đối với người có công, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

 

Sắp tới, UBTVQH sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, khi đưa ra những chính sách mới, cần tính toán hài hòa giữa những đối tượng đang hưởng chính sách hiện tại với những đối tượng mới được bổ sung vào diện được hưởng chính sách ưu đãi dành cho người có công, nhằm tránh phát sinh những tâm tư, bức xúc giữa những người cùng được hưởng chính sách.

 

Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của dự  án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự án Luật, tuyên truyền pháp luật là việc truyền đạt kiến thức pháp luật đến với người dân, làm cho người dân hiểu rõ pháp luật của Nhà nước để tự giác thực hiện. Các hoạt động tuyên truyền pháp luật đều được thể hiện trong cả nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật. Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH không tách quy định riêng về tuyên truyền pháp luật như là một nội dung độc lập với phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc quy định công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường không áp dụng đối với các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật sẽ dễ gây hiểu nhầm là những cơ sở này không phải thực thi luật. Trong khi đó, các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật có nhiều điều kiện thuận lợi và khả năng thực tế để tham gia thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các cơ sở này có trách nhiệm nhiều hơn các cơ sở đào tạo khác trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời, còn phải có trách nhiệm tham gia bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ quy định này trong dự thảo Luật.

 

Cho ý kiến về vấn đề này, một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, quy định về giáo dục pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác trong hệ thống giáo dục quốc dân như dự thảo Luật là quá cứng và quá nặng, nhất là đối với cấp học mầm non và tiểu học. Do đó, cần bổ sung, sửa đổi những quy định về nội dung giáo dục pháp luật để có thể bảo đảm sẽ cung cấp đủ kiến thức cơ bản cần có với mỗi công dân, cũng như phù hợp với mục tiêu giáo dục, ngành nghề đào tạo. Cụ thể là, đối với chương trình giáo dục mầm non và tiểu học được lồng ghép thông qua nội dung giáo dục đạo đức, ý thức kỷ luật, tinh thần tự giác tạo tiền đề hình thành ý thức pháp luật; đối với chương trình giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông trang bị kiến thức ban đầu về quyền, nghĩa vụ của công dân, rèn luyện thói quen, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; đối với chương trình giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, cao đẳng trang bị kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, kiến thức pháp luật liên quan đến ngành, nghề đào tạo; đối với các cơ sở đào tạo luật, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp trang bị kiến thức chuyên sâu về nhà nước và pháp luật.

 

 

P.Thủy – T.Chi

(http://daibieunhandan.vn)