ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THÔNG QUA CHỦ TRƯƠNG CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG ĐẤT CỦA DỰ ÁN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG

11/07/2022

Sáng ngày 11/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Chính phủ đề nghị chuyển mục đích sử dụng 1.054,63 ha diện tích rừng của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Toàn cảnh phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều hành nội dung thảo luận về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, theo Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội, Chính phủ phải hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án. Như vậy, Quốc hội chỉ ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên, không ủy quyền quyết định chuyển đổi rừng như trong Tờ trình của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tờ trình Chính phủ, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về tính đầy đủ, phù hợp của hồ sơ, tài liệu, tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết, sự phù hợp chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa hai vụ đối với pháp luật về lâm nghiệp, pháp luật về đầu tư công, pháp luật về đất đai của các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về phạm vi dự thảo Nghị quyết so với Nghị quyết 44/2022/QH15 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Chính phủ trình nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa hai vụ trở lên tăng lên. Cụ thể: diện tích đất rừng tăng 317,9 ha, đất rừng phòng hộ tăng 28,1 ha, đất rừng sản xuất tăng 285,23 ha, đất rừng đặc dụng tăng 4,61 ha, ha, đất trồng lúa nước hai vụ tăng 5,23 ha. Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng là 1.054,63 ha.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc quyết định chuyển đổi diện tích đất rừng, đất lúa tăng thêm so với Nghị quyết 44/2022/QH15 và việc quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng có thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo ủy quyền của Quốc hội hay không; có cần báo cáo Quốc hội quyết định đối với diện tích đất rừng, đất trồng lúa tăng thêm, diện tích rừng phòng hộ đề nghị chuyển đổi; đồng thời đề nghị Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo thẩm quyền đối với diện tích rừng còn lại…. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết, thời hạn áp dụng và các nội dung khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Cho ý kiến về nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh Lê Quang Huy đánh giá cao công tác nghiên cứu báo cáo tiền khả thi và và khả thi của các cơ quan thuộc Chính phủ. Đối với ý kiến cho rằng Nghị quyết 44/2022/QH15 không giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi rừng, nhưng trong Tờ trình của Chính phủ lại có nội dung Chính phủ trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương này, vậy có cần thiết và đúng thẩm quyền hay không, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng: theo khoản 1, Điều 3 Nghị quyết 44/2022/QH15 giao Chính phủ tổ chức thực hiện các nội dung: “Triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành dự án theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, khoản 1 của Nghị quyết 44 bao gồm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, trong đó có Luật Lâm nghiệp (trong đó có Điều 20 về thẩm quyền về chuyển đổi diện tích sử dụng rừng). Tờ trình của Chính phủ nêu chuyển đổi diện tích rừng là khoảng 1.054 ha, trong đó có chuyển đổi rừng phòng hộ khoảng 111 ha. Đối chiếu với Điều 3 Nghị quyết 44 của Quốc hội và nội dung Tờ trình của Chính phủ và khoản 1, Điều 20 Luật Lâm nghiệp, đại biểu cho rằng việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là hoàn toàn phù hợp, đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy băn khoăn về diện tích đất lâm nghiệp tăng thêm khoảng 317 ha, đề nghị Chính phủ giải trình thêm về vấn đề này, liệu có tăng thêm tổng diện tích dự án và tổng kinh phí đầu tư?

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cũng đề nghị Chính phủ phải quản lý rất chặt chẽ diện tích rừng cho đến khi chuyển đổi mục đích sử dụng, tránh chuyển đổi mục đích sử dụng, không tuân thủ theo pháp luật việc lợi dụng việc nói chung, trong đó có Điều 19 của Luật Lâm nghiệp. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có chuyển đổi diện tích sử dụng rừng, đất rừng phải nghiêm túc thực hiện việc trồng rừng thay thế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Đánh giá cao và tán thành với nhiều ý kiến nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng như ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ làm rõ thẩm quyền và tính pháp lý về việc đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước hai vụ trở lên.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm, theo Luật Đầu tư, một trong những nội dung của chủ trương đầu tư là diện tích sử dụng đất, không có cụm từ “diện tích sử dụng rừng”, trong Luật Đất đai cũng không đề cập đến rừng. Đất rừng bao gồm cả đất và rừng, vì vậy Tờ trình của Chính phủ là phù hợp nhưng không nên tách đất, rừng riêng. Tổng diện tích rừng được Quốc hội thông qua khoảng 5.848 ha, bao gồm tất cả các loại đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất trồng lúa nước hai vụ… Nếu cộng lại tổng diện tích Chính phủ trình thấp hơn so với tổng diện tích Quốc hội đã thông qua. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, việc có ý kiến khác nhau về tính pháp lý và thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là do cách sử dụng từ ngữ chưa chính xác.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc Ủy ban Thường vụ xem xét chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 là đúng thẩm quyền theo Nghị quyết 44/2022/QH15. Có 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất), nếu đang là rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng chuyển sang rừng sản xuất thì mới gọi chuyển mục đích sử dụng rừng. Còn theo Tờ trình, toàn bộ diện tích rừng đều được sử dụng làm đường cao tốc Bắc - Nam chứ không sử dụng mục đích khác nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 theo ủy quyền của Quốc hội là đúng thẩm quyền; đề nghị Tờ trình của Chính phủ chỉnh sửa lại từ ngữ cho phù hợp.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng giải trình thêm ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Giải trình về sự chênh lệch diện tích đất rừng so với báo cáo tiền khả thi, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đất lúa nằm trên địa hình bằng phẳng nên trong báo cáo sơ bộ xin chủ trương đầu tư có sự tính toán tương đối chính xác. Đối với 7 tỉnh có rừng, diện tích địa hình phức tạp, đồi núi không tránh được sự sai lệch về số liệu (tăng hơn 300 ha đất rừng). Tuy nhiên, Chính phủ đã tính toán để không tăng thêm tổng diện tích và đảm bảo nguồn kinh phí đã được Quốc hội thông qua. Đến thời điểm này, hồ sơ dự án đã được chuẩn bị, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải sẽ ký phê duyệt tất cả 12 dự án để các địa phương triển khai, đảm bảo tiến độ đề ra.

Đối với vấn đề đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho biết đối với từng dự án đã được đánh giá tác động môi trường và đề xuất một số cơ chế để tính toán phục hồi lại hệ sinh thái.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giải trình một số vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại phiên họp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định Quốc hội đã linh hoạt tổ chức Kỳ họp bất thường và ban hành Nghị quyết 44/2022/QH15 và Nghị quyết 43/2022/QH15 tạo ra cơ chế thông thoáng để rút gọn được các thủ tục đầu tư. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết, Chính phủ đã phân công cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng các mốc tiến độ, chất lượng cụ thể để thực hiện bằng được mục tiêu tới năm 2025 hoàn thành 729 km đường cao tốc. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, trên cơ sở tình hình thực tế, mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án đầu tư để các địa phương triển khai các bước tiếp theo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên của Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc -Nam giai đoạn 2021-2025.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa hai vụ trở lên tăng thêm so với Nghị quyết 44/2022/QH15 và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ để kịp thời triển khai việc thực hiện đúng tiến độ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng ngoài các nội dung nêu tại điểm một, điểm hai, các nội dung khác phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (nếu có) thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và đề nghị Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát diện tích rừng, đất rừng và diện tích đất trồng lúa hai vụ cần chuyển đổi, đảm bảo tối ưu diện tích đất chuyển đổi để thực hiện dự án. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các số liệu này. Khẩn trương trồng rừng thay thế, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý đối diện tích đất lúa nước hai vụ theo đúng quy định của pháp luật.

Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, triển khai thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật.

Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa rà soát, điều chỉnh nội dung, diện tích đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch 3 loại rừng, cập nhật dự án quy hoạch nông nghiệp quốc gia.

Chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án trong quá trình thực hiện thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai dự án phải thống kê, kiểm đếm chính xác các loại đất, diện tích đất, tài sản trên đất, loại rừng, diện tích rừng giám sát tận thu đúng trong phạm vi chuyển đổi mục đích sử dụng đất không để các đối tượng lợi dụng trục lợi khai thác lâm sản ngoài phạm vi cho phép, lấn chiếm đất; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo quyền lợi đời sống, an sinh xã hội cho người dân có đất rừng bị thu hồi…

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh nghị quyết, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác