Tham dự Phiên họp về phía Chính phủ có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa.
Điều hành nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Tại phiên họp thứ 8 tháng 2/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu. Dự thảo Nghị quyết này đã được tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa nội dung này vào chương trình Phiên họp thứ 13.
Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật, dự thảo Nghị quyết đã được rà soát, chỉnh lý để đảm bảo thống nhất với các quy định có liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Cán bộ công chức, Quy chế hoạt động đối ngoại của Quốc hội và đặc biệt là Luật Thi đua, Khen thưởng vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đã đối chiếu để thống nhất với các văn bản dự thảo cuối cùng của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, được Văn phòng Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý.
Góp ý vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về vị trí pháp lý của Ban Công tác đại biểu là một Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa là cơ quan tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại và xác định cho rõ trong tất cả các loại đó thì loại nào là loại chủ trì tham mưu đề xuất, phối hợp với ai. Ngược lại, có những nội dung cơ quan khác chủ trì nhưng lại phải phối hợp với Ban Công tác đại biểu.
Là đầu mối giúp cho Thường vụ Quốc hội thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân mà được nêu trong Luật Tổ chức Quốc hội là cơ quan nào và bao gồm những việc gì. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà lại xem đã đầy đủ chưa, cái gì là chỉ đạo, cái gì là hướng dẫn, chế độ báo cáo, vấn đề liên quan đến tổ chức các giao ban của Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp, từ việc tổ chức Hội nghị đại biểu Hội đồng nhân dân toàn quốc, vấn đề này đã bao quát ở trong đó chưa? Cách thức tổ chức thực hiện việc đó thì quy trình, thủ tục như thế nào? Hằng năm tự động làm hay báo cáo với Thường vụ Quốc hội về việc này không?
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ góp ý vào nội dung thảo luận.
Đề cập đến trách nhiệm của Ban Công tác đại biểu trong việc tổ chức phục vụ tham mưu cho Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Hội đồng bầu cử quốc gia có Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia và Trưởng Ban Công tác đại biểu là một thành viên trong Văn phòng, thường là Phó Chánh văn phòng, bây giờ trong chức năng tham mưu là làm gì trong Hội đồng bầu cử quốc gia. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở thực tế rà soát lại cho kỹ, nhất là vai của Ban Công tác đại biểu trong bầu cử đại biểu Quốc hội, từ liên quan đến vấn đề lịch sử chính trị, tiêu chuẩn chính trị hiện nay, phẩm chất đạo đức, những vấn đề liên quan đến khiếu nại, tố cáo, vấn đề thẩm tra tư cách của đại biểu Quốc hội v.v. chuẩn bị các báo cáo liên quan đến công tác bầu cử…
Liên quan đến chế độ báo cáo đại biểu Quốc hội vắng mặt trong các kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát lại và làm rõ, đại biểu là thuộc thẩm quyền của Ban Công tác đại biểu quản lý, trong quy chế này đã có chưa, trong chức năng, nhiệm vụ đã có chưa.
Quan tâm đến vấn đề bồi dưỡng công tác dân cử, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn, Ban Công tác đại biểu là cơ quan của Thường vụ Quốc hội, nhưng bây giờ cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, chương trình, nội dung này thì ai duyệt, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng như thế nào thì ai duyệt. Chương trình khung, giáo viên, ngắn hạn, dài hạn, hội thảo… vẫn chưa có đủ rõ. “Chương trình khung này Thường vụ Quốc hội có duyệt không, giảng viên, rồi tổ chức các khóa, lớp như thế rồi báo cáo lại Thường vụ thế nào, hàng năm có trình Thường vụ Quốc hội về kế hoạch đào tạo bồi dưỡng đại biểu dân cử không, đại biểu chuyên trách là gì, không chuyên trách là gì?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội căn cứ vào những thực tế diễn biến của nhiều khóa trước, cái gì tốt thì phát huy, cái gì đã quy định rồi thì tiếp tục kế thừa, cái gì có quy định rồi nhưng chưa phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung, có gì trong thực tiễn phát sinh nhưng chưa có quy định thì phải có quy định. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần xem xét cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, đào tạo, bồi dưỡng như thế nào, mời báo cáo viên, giảng viên phải có tầm. Việc này Ban Công tác đại biểu quyết hết hay phải có một cơ quan nào đó quyết? Vấn đề nào là phân cấp thẩm quyền cho Ban Công tác đại biểu tự quyết định. Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ như có Nghị quyết này thì cụ thể hóa các vấn đề là trách nhiệm của Ban Công tác đại biểu.
Liên quan đến vấn đề bổ sung nội dung khen thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ băn khoăn, trong Nghị quyết này có nên quy định rõ Ban Công tác đại biểu tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quy định về Kỷ niệm chương Quốc hội không? Hiện dự thảo Nghị Quyết vẫn còn chung chung quá, có một điều liên quan đến thi đua, khen thưởng, nhưng có một điều riêng liên quan đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng kỷ niệm chương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao tặng kỷ niệm chương thì quy định hình thức thế nào, tiêu chuẩn thế nào, xét tặng hình thức như thế nào…, ai sẽ tham mưu đề xuất nội dung này. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc này Ban Công tác đại biểu làm là đúng hay là giao Tổng Thư ký Quốc hội, phải quy định cứng trong Nghị quyết.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rà soát lại các quan hệ, lề lối làm việc, cơ chế, chế độ báo cáo, nhất là công tác tổ chức và cán bộ, nhân sự đòi hỏi phải rất minh bạch, công khai, tường minh, phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng đoàn và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá rất cao việc chuẩn bị dự thảo Nghị quyết này, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu được làm rất kỹ lưỡng, dự thảo Nghị quyết cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Thảo luận về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá rất cao việc chuẩn bị dự thảo Nghị quyết này, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu được làm rất kỹ lưỡng. Qua nghiên cứu, Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, dự thảo Nghị quyết cơ bản đáp ứng được yêu cầu.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường góp ý đối với các đại biểu Quốc hội nghỉ ở các buổi họp, đề nghị nên bổ sung vào điểm b khoản 2 của Điều 2 thì phù hợp. Có thể quy định là đối với các đại biểu nghỉ bao nhiêu ngày trở lên thì Ban Công tác đại biểu trình, còn hàng ngày theo thông lệ thì Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo kịp thời.
Liên quan đến vấn đề thi đua, khen thưởng, Tổng Thư ký Quốc hội thống nhất cao Ban Công tác đại biểu sẽ làm đầu mối để tiến hành việc khen thưởng đối với các cơ quan Quốc hội, các cơ quan Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các đại biểu Quốc hội và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn công chức thì hiện nay theo quy định Văn phòng Quốc hội vẫn thực hiện nhiệm vụ này. Thực tế, quy định của pháp luật là cơ quan hành chính nhà nước mới là cơ quan có thẩm quyền trình về khen thưởng của đội ngũ cán bộ, công chức. Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, đối với với công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Văn phòng Quốc hội thì Văn phòng Quốc hội trình, còn đối với đại biểu, cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Ban Công tác đại biểu sẽ là cơ quan trình. Đề cập đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Thư ký Quốc hội nhận thấy, viết như dự thảo Nghị quyết này là phù hợp.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp.
Cũng tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Bộ đã có 4 văn bản góp ý và nhận thấy, về cơ bản dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu tất cả các ý kiến. Bộ Tư pháp cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Nghị quyết 575 trước yêu cầu chung về đổi mới tổ chức cũng như phương thức hoạt động của Quốc hội. Rà soát lại Luật Tổ chức Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng làm rõ thêm về điểm b khoản 2 Điều 2 tại trang 2 của dự thảo Nghị quyết và điểm a khoản 3 của dự thảo Nghị quyết.
Giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu biểu nêu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ và đã tiếp thu đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của các đồng chí và xin ý kiến Chính phủ. Cụ thể là hai bộ tham mưu là Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rất đầy đủ về hồ sơ của dự thảo Nghị quyết. Ban Công tác đại biểu xin lắng nghe ý kiến góp ý của Thường vụ Quốc hội để Ban và Ủy ban Pháp luật hoàn thiện Nghị quyết, trong quá trình làm đã thực hiện rất nghiêm túc. Về nội dung nghiên cứu Luật Thi đua, khen thưởng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Ban đã phối hợp với Ủy ban Pháp luật nghiên cứu 5 điều, Điều 71, Điều 79, Điều 83, Điều 88, Điều 90 nói về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với thực hiện thi đua, khen thưởng, đã cụ thể hóa trong dự thảo Nghị quyết này.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong phiên họp hôm nay có 3 ý kiến Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu, một ý kiến của Bộ Tư pháp. Về cơ bản, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với nội dung báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu của Ban Công tác đại biểu. Theo ý kiến gợi ý của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu cần rà xem loại nào là chủ trì tham mưu, đề xuất đầu mối giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với Hội đồng nhân dân là cơ quan nào chỉ đạo là phải rõ, hướng dẫn xem có bao quát chưa, trong Nghị quyết về quy trình, thủ tục như thế nào để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ví dụ như về công tác bồi dưỡng đại biểu dân cử, hàng năm cần phải thông qua kế hoạch, đề án, khung bồi dưỡng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trên cơ sở đó Ban Công tác đại biểu triển khai thực hiện.
Liên quan đến nội dung đại biểu Quốc hội nghỉ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đại biểu Quốc hội vắng mặt bao nhiêu ngày, 3 ngày thì xin phép ai, 7 ngày xin phép ai, còn hằng ngày thì Tổng Thư ký có trách nhiệm tổng hợp để báo cáo với Chủ tịch Quốc hội. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần phải bàn kỹ hơn nội dung này để quản lý đại biểu Quốc hội sao cho thuận tiện, chặt chẽ.
100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết bằng hình thức giơ tay. Với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/9/2022.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ban Công tác đại biểu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của Bộ Tư pháp, hoàn thiện các thủ tục, trình tự để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong tháng 7/2022./.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh giải trình, làm rõ nội số nội dung tại Phiên họp,
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh Ủy ban Pháp luật và Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ và đã tiếp thu đầy đủ những ý kiến chỉ đạo của các đồng chí và xin ý kiến Chính phủ, cụ thể là hai bộ tham mưu là Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rất đầy đủ về hồ sơ của dự thảo Nghị quyết.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp.