CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG CÁC CÔNG TÁC LẬP PHÁP, GIÁM SÁT VÌ SỰ KIẾN TẠO VÀ PHÁT TRIỂN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ luân phiên điều hành Phiên họp.
14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung UBTVQH cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tiếp tục thực hiện chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Tham dự phiên họp có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đại diện Văn phòng Chính phủ cùng một số cơ quan hữu quan.
14h01: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến trình bày Tờ trình
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thủy sản, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (Nghị định số 42/2019/NĐ-CP). Tại dự thảo Nghị định có quy định về việc phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản.
Tuy nhiên nội dung này chưa được quy định tại Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), do vậy Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép Chính phủ quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản tại Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP…
Quy định phát hiện vi phạm hành chính bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong lĩnh vực thủy sản tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP nhằm phát hiện nhanh hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, cung cấp bằng chứng, chứng cứ để tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, việc quy định sẽ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân vì đối tượng vi phạm sẽ rất khó khăn trong việc phi tang tang vật vi phạm bởi các vi phạm này đã được cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân lưu lại bằng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; giúp cho cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi trong quá trình tác nghiệp và không bỏ lọt hành vi vi phạm. Đồng thời, giúp tiến hành xử lý vi phạm được thuận lợi và nhanh hơn bởi đã có các bằng chứng, chứng cứ thuyết phục; giảm được kinh phí cho hoạt động tuần tra, kiểm tra kiểm soát trên biển bởi tàu cá đã được theo dõi, giám sát bằng thiết bị giám sát tàu cá; thông tin dữ liệu thu được từ thiết bị này sẽ là bằng chứng, chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý vi phạm…
Để bảo đảm việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nêu rõ, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trong Nghị định thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và bảo đảm các quy định pháp luật đủ rõ, đủ chi tiết, Chính phủ sẽ bổ sung Danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vào Nghị định số 135/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính.
14h10: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.
Thẩm tra cơ sở pháp lý Tờ trình số 60/TTr-CP của Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc Chính phủ trình đã đúng thẩm quyền, bảo đảm cơ sở pháp lý theo quy định của luật.
Về sự cần thiết quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết quy định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong “lĩnh vực thủy sản” trong Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Điều này giúp công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thuận lợi và hiệu quả hơn, tránh bỏ lọt hành vi vi phạm hành chính; góp phần nâng cao ý thức của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, bảo đảm tính răn đe và hiệu quả thực thi pháp luật về thủy sản…
Thẩm tra phạm vi áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, “hoạt động thủy sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Thủy sản năm 2017 bao gồm các hoạt động (1) bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; (2) nuôi trồng thủy sản; (3) khai thác thủy sản; (4) chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản. Chính phủ đề nghị cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nói chung, tức là áp dụng đối với cả 04 nhóm hoạt động thủy sản nêu trên.
Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ mới chỉ tập trung phân tích, đánh giá thực trạng vi phạm và khó khăn, vướng mắc trong xử lý vi phạm liên quan đến các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản và khai thác thủy sản (đặc biệt là hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU)) mà hầu như không đề cập đến khó khăn trong xử lý vi phạm đối với hoạt động chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo cũng chưa đánh giá tác động, làm rõ các điều kiện bảo đảm thực hiện nếu được cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Để có thêm cơ sở, thông tin phục vụ thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các nội dung trên. Ngày 28/3/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Báo cáo số 1894/BNN-TCTS gửi Ủy ban Pháp luật, trong đó đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính, cụ thể chỉ quy định sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính trong hoạt động “khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản”; đồng thời, bổ sung đánh giá tác động của quy định này và dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành.
Trên cơ sở xem xét Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo số 1894/BNN-TCTS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hồ sơ kèm theo, ý kiến thảo luận tại phiên họp thẩm tra và giải trình của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đa số thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc thu hẹp phạm vi áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính chỉ trong hoạt động “khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản”; cơ bản nhất trí với dự kiến Danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng như đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Báo cáo số 1894/BNN-TCTS.
Việc xác định phạm vi áp dụng như Chính phủ trình là phù hợp, một mặt tạo thuận lợi cho các lực lượng thực thi pháp luật trong việc phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính trong các hoạt động thủy sản này, thúc đẩy triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống hành vi khai thác IUU, góp phần sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam; đồng thời góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân và hiệu quả quản lý nhà nước trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản. Mặt khác cũng phù hợp với đối tượng, phạm vi quản lý và điều kiện về nguồn lực để bảo đảm tính khả thi.
Đối với hoạt động “chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản”, trước mắt không áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính vì các hoạt động này có địa bàn hoạt động không phức tạp, việc phát hiện vi phạm hành chính cũng không gặp khó khăn, vướng mắc như đối với các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản.
Một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ về phạm vi áp dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong “lĩnh vực thủy sản”; đồng thời, đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể hoạt động thủy sản được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính nhằm bảo đảm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Ủy ban Pháp luật kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý để Chính phủ quy định việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong hoạt động “khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản”. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, cùng với việc sửa đổi Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản để bổ sung quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nêu trên, cần nghiên cứu sửa đổi các nghị định có liên quan để bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
14h18: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong lĩnh vực thủy sản có 4 nhóm vấn đề: bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trong thủy sản; khai thác thủy sản; chế biến, mua bán, xuất nhập khẩu thủy sản. Trong đó, vấn đề chế biến thu mua xuất khẩu thủy sản không có vướng mắc trong việc xử phạt vi phạm hành chính.
Vì vậy, đến nay các cơ quan thống nhất trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về nội dung này cùng các vấn đề quan trọng khác có liên quan.
14h22: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường bày tỏ tán thành với Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về việc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định về việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản là cần thiết và đúng thẩm quyền theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính...
Đây cũng là động thái cụ thể để có hành động kiên quyết hơn trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thuỷ sản, đây cũng là lĩnh vực hiện nay đã bị EU gắn thẻ vàng. Trong quá trình làm việc với Nghị viện Châu âu và lãnh đạo các quốc gia của Liên minh Châu âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng luôn đề cập vấn đề này.
Ngoài lý do Tờ trình nêu như tính hiệu quả, khắc phục những khó khăn trong việc dùng biện pháp thông thường, giảm nhân lực, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng việc cho phép sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính còn tăng cường tính răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm và tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.
Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính còn góp phần phòng ngừa tham nhũng, hạn chế tối đa cơ hội tham nhũng trong việc xử phạt vi phạm hành chính, nhất là các lực lượng chấp pháp tuần tra trên biển.
Về phạm vi áp dụng và áp dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện vi phạm hành chính, trong lĩnh vực thủy sản có 4 nhóm hành vi vi phạm tương ứng với 4 hoạt động thủy sản gồm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản và chế biến, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ điều chỉnh lĩnh vực sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi phạm hành chính, không điều chỉnh hành vi hay nhóm hành vi trong lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để phát hiện vi phạm.
Thủy sản là lĩnh vực lớn, có thể chia ra 4 nhóm hành vi nhưng cũng chỉ là một lĩnh vực theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính, giao Chính phủ quy định lĩnh vực khác được sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi phạm hành chính sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho sử dụng phương tiện kỹ thuật trong lĩnh vực thủy sản hay chỉ đồng ý một số nhóm hành vi là điều cân nhắc theo đúng thẩm quyền.
14h27: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cả 4 nội dung theo quy định của Luật Thủy sản, gồm: bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản; chế biến, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản; hay chỉ cho ý kiến như thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tờ trình của Chính phủ đối với 3 vấn đề: bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng thủy sản; khai thác thủy sản.
14h31: Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng giải thích thêm lí do vì sao Uỷ ban Pháp luật nêu vấn đề như vậy vì nếu Chính phủ áp dụng toàn bộ trong lĩnh vực thuỷ sản thì Tờ trình của Chính phủ phải phân tích đâỳ đủ, cả 4 nhóm hoạt động nhỏ trong lĩnh vực thuỷ sản lớn gặp khó khăn trong việc phát hiện, xử lý vi phạm. Nhưng Tờ trình của Chính phủ chỉ tập trung phân tích có khó khăn trong 3 nhóm hoạt động (nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, khai thác thuỷ sản trên biển) gặp nhiều vướng mắc nếu không cho phép áp dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý vi phạm. Còn chế biến chủ yếu diễn ra trên đất liền và không gặp vấn đề gì lớn. Hiện nay do xuất khẩu nước ta được kiểm soát chặt nên các doanh nghiệp cũng không vi phạm các vấn đề về tạp chất, vì sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, do đó, tự doanh nghiệp phải có giải pháp để kiểm soát vấn đề này.
Hơn nữa, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc quy định áp dụng các phương tiện thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản phải được quy định trong luật.
Bởi vì điều này liên quan đến quyền của tổ chức, cá nhân. “Nếu chúng ta áp dụng không đúng thì ảnh hưởng đến quyền. Vì vậy, nên mới có hạn chế là chỉ quy định trong những lĩnh vực nhất định, nếu quy định rộng hơn thì phải báo cáo của UBTVQH chứ Chính phủ không thể tự quyết định”, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nêu rõ. Do đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết sẽ tiếp tục rà soát thật kỹ, chỗ nào thật sự cần thiết thì mới quy định áp dụng. Qua làm việc, Chính phủ cũng đồng ý thu hẹp phạm vi. Nếu đồng ý mở rộng ra thì Chính phủ phải báo cáo đầy đủ nội dung chế biến, mua bán, xuất nhậu khẩu thuỷ sản và phải có lí giải thoả đáng nội dung này.
14h34: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, nếu quy định rộng hơn thì có điểm tốt do trong mua bán, xuất nhập khẩu thủy sản cũng có vi phạm, nhất là có liên quan đến máy móc thiết bị. Tuy nhiên, quy định như vậy liên quan đến quyền của các cá nhân, cần lưu ý đến việc bảo vệ quyền con người, tránh gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình mua bán. Nếu chưa thực sự cần thiết, chưa có đánh giá cụ thể về tác động thì chưa nên quy định.
14h36: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Nhất trí sự cần thiết tăng cường giám sát quản lý đánh bắt thủy sản không đăng kí, không khai báo
Chủ tịch Quốc hội tán thành với sự cần thiết của nội dung này. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ thời gian qua, không chỉ các cơ quan của Chính phủ mà cả Quốc hội đề cập nhiều đến vấn đề thẻ vàng khai thác thủy sản của Liên minh châu Âu đối với Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đời sống sinh kế người dân Việt Nam và tác động đến doanh nghiệp châu Âu. Do đó, việc tăng cường giám sát quản lý đánh bắt thủy sản không đăng kí, không khai báo vừa là cam kết của Việt Nam đồng thời thể hiện chính sách phát triển bền vững của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cùng với quá trình xây dựng Nghị định cần tăng cường thêm công tác truyền thông nói rõ tác dụng của Nghị định này vừa bảo đảm quản lý, giám sát việc đánh bắt thủy sản không khai báo, không đăng ký đồng thời phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, thể hiện nỗ lực, cố gắng của Việt Nam để tác động với các cơ quan của châu Âu sớm gỡ bỏ thẻ vàng về lĩnh vực thủy sản.
Về phạm vi điều chỉnh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nếu lựa chọn thu hẹp phạm vi điều chỉnh thì có thay đổi tên gọi của Nghị định hay không và đề nghị các cơ quan rà soát, cân nhắc để phạm vi điều chỉnh khớp với tên gọi.
14h41: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan báo cáo làm rõ một số nội dung liên quan
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thực trạng thời gian qua rõ ràng quy định pháp luật hiện tại ở nước ta không có quy định chặt chẽ để khởi tố, xử lý những hành vi vi phạm trên biển, ngư trường nói chung và vi phạm thẻ vàng thuỷ sản (IUU) nói riêng. Dẫn đến khó khăn trong việc xử lý những vụ vi phạm trong thời vừa qua cho các cơ quan. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, chúng ta cần có một công cụ để siết chặt kỷ cương, quy định pháp luật trên biển.
Trước tình trạng khai thác thủy sản tận diệt trên các vùng biển của nước ta hiện nay của ngư dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án về nuôi trồng thủy sản, thực hiện chủ trương giảm khai thác, giảm lượng tàu ra khơi, thúc đẩy chuyển đổi nghề nghiệp.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang cùng các địa phương đẩy mạnh quyết liệt thực hiện vấn đề này”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho hay.
14h48: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nghiêm túc chuẩn bị hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật, có tiếp thu giải trình và đưa ra đề nghị thu gọn nội dung cho ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định đây là nội dung quan trọng, có nghĩa thiết thực trong việc phát triển ngành ngư nghiệp bền vững, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, rà soát để thay thế, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết đồng ý cho phép Chính phủ quy định cụ thể về việc sử dụng phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nuôi trồng thủy sản khi ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (sửa đổi).
14h53: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung UBTVQH cho ý kiến về phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo chương trình làm việc chiều ngày 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tóm tắt về phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra dự án Luật.
14h54: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về phương án phân công cơ quan giúp UBTVQH lập đề nghị, chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Về cơ sở chính trị, pháp lý của việc rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc rà soát, nghiên cứu và đề nghị sửa Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được xác định trong các văn bản của Đảng và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị thông qua Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV…
Về phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ:
Phương án 1: Giao Ủy ban Pháp luật là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Ban soạn thảo gồm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật làm Trưởng Ban soạn thảo, thành viên gồm: một đại diện Ủy ban Pháp luật làm Phó trưởng Ban Thường trực và đại diện các cơ quan của Quốc hội, một số cơ quan liên quan. Giao Hội đồng Dân tộc chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội thẩm tra; Văn phòng Quốc hội có ý kiến bằng văn bản.
Văn phòng Quốc hội nhận thấy, phương án này là phù hợp vì việc giao như trên là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan; bảo đảm sự kế thừa kinh nghiệm, nội dung và kết quả của toàn bộ quá trình xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
Phương án 2: Giao Ủy ban Tư pháp là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị, đồng thời, là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra. Văn phòng Quốc hội nhận thấy, phương án này mặc dù bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan theo quy định, tuy nhiên, với phương án này gặp khó khăn do không phù hợp với thông lệ phân công của các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Tư pháp không phát huy được kinh nghiệm, sự kế thừa trong xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 như Ủy ban Pháp luật.
Phương án 3: Giao Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị, đồng thời, là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra.
Văn phòng Quốc hội nhận thấy, phương án này không khả thi và không bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng Luật. Vì Văn phòng Quốc hội không có chức năng giám sát, không thực hiện hoạt động giám sát, chỉ thực hiện việc tổ chức phục vụ hoạt động giám sát (phục vụ các thủ tục về hành chính và thực hiện công tác bảo đảm). Và theo quy định của pháp luật, Văn phòng Quốc hội không có chức năng xây dựng pháp luật và không có thẩm quyền đề nghị xây dựng luật, trình dự án luật. Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội không có kinh nghiệm trong xây dựng Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân vì thực tiễn xây dựng Luật này năm 2015 như đã đề cập tại phương án 1, Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì soạn thảo.
Như vậy, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Văn phòng Quốc hội là cơ quan không có chức năng xây dựng pháp luật, không có thẩm quyền tổ chức hoạt động giám sát, nhân lực mỏng, chỉ đủ phục vụ hoạt động giám sát nên không thể thực hiện được nhiệm vụ này.
Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Văn phòng Quốc hội tiếp tục đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo phương án 1.
15h05: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, báo cáo của Văn phòng Quốc hội đang đề ra 3 phương án. Cụ thể, phương án 1 là giao Ủy ban Pháp luật là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Phương án 2 là giao Ủy ban Tư pháp là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị, đồng thời, là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra. Phương án 3 là giao Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị, đồng thời, là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, khối lượng công việc của Văn phòng Quốc hội khá lớn, tuy nhiên, cần nỗ lực giải quyết, khắc phục khó khăn. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu đưa ra ý kiến đối với các phương án này.
15h07: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu.
Cho ý kiến về phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga lựa chọn phương án 3: Giao Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị, đồng thời, là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra.
15h09: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ trong công tác xây dựng pháp luật thì các luật do Quốc hội chủ trì không có nhiều. Do đó, cần phải bàn thống nhất cách làm để huy động lực lượng, làm sao phát huy được thế mạnh của từng đơn vị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm rõ, nếu nói Văn phòng Quốc hội không có chức năng xây dựng pháp luật thì không đúng thế. Vừa qua trình Nội quy kỳ họp với trình Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan đến Luật Tổ chức Quốc hội…đã làm nhiều lần. Có quy định là các cơ quan thực hiện các việc khác do Quốc hội và Thường vụ Quốc hội phân công. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công bất cứ Ủy ban nào hay Văn phòng Quốc hội thì đều phải làm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, các cơ quan đều phải xác định Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết giao cho ai thì cố gắng làm.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trong xây dựng luật thì khâu quan trọng nhất ở trong Quốc hội là khâu hoàn thiện cuối cùng để trình kí. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ ủng hộ phương án giao Ủy ban Pháp Luật thẩm tra để sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu, Ủy ban Pháp luật giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình lần 2 và tiếp thu chỉnh lý trình thông qua.
Về cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Ban soạn thảo giúp cho Văn phòng Quốc hội là cơ quan chủ trì soạn thảo, thành viên các Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tham gia vào Ban soạn thảo. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội huy động lực lượng trong Văn phòng để làm.
15h17: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu
Góp ý kiến về phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng bày tỏ ủng hộ phương án 3. Theo đó, giao Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đề nghị, đồng thời, là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Ủy ban Pháp luật sẽ là cơ quan chủ trì thẩm tra.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hiện tại khối lượng công việc của Ủy ban Pháp luật hàng năm là rất lớn. Do vậy, để đảm bảo chất lượng công việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, tạo điều kiện, phân công hợp lý để Ủy ban Pháp luật hoàn thành các nhiệm vụ đảm bảo chất lượng cao.
15h22: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, Ủy ban Pháp luật là cơ quan có kinh nghiệm trong việc xây dựng pháp luật, chất lượng xây dựng pháp luật tốt, đạt hiệu quả cao. Hiện nay, Hội đồng Dân tộc đang tham gia thẩm tra các dự án Luật, chưa chính thức chủ trì thẩm tra dự án Luật, mà thực hiên nhiều công tác liên quan đến công tác giám sát.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ, nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, Hội đồng Dân tộc sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tuy nhiên, với kinh nghiệm chủ trì soạn thảo, chủ trì thẩm tra còn hạn chế, Hội đồng Dân tộc mong có sự chia sẻ, phối hợp, hỗ trợ từ các Ủy ban của Quốc hội để công tác đạt được chất lượng, hiệu quả cao nhất.
15h25: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu.
Phát biểu gợi ý thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị đại biểu cho ý về phương án Hội đồng Dân tộc của Quốc hội là cơ quan chủ trì soạn thảo và có sự tham gia của các Ủy ban của Quốc hội; Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra.
15h26: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh băn khoăn nên chăng có phương án thứ 4, thành lập Uỷ ban lâm thời theo Luật Tổ chức Quốc hội. Uỷ ban lâm thời có thể quy tụ Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban, một thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm Trưởng Ban, Hội đồng Dân tộc sẽ là cơ quan chủ trì, và giai đoạn sau Uỷ ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra.
15h31: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Hội đồng Dân tộc xây dựng đề xuất và chủ trì soạn thảo; cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy ban của Quốc hội tham gia hỗ trợ để Hội đồng Dân tộc hoàn thành nhiệm vụ được giao, kịp trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
15h55: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung UBTVQH xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2023
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo chương trình, thời gian còn lại chiều ngày 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2023.
15h56: Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo
Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện - Dương Thanh Bình - cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm, đánh giá cao việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và Địa phương tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, có hơn 10,6 triệu lượt ý kiến của các tổ chức, cá nhân góp ý cho dự thảo Luật.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm về Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị làm cơ sở cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh, chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp bầu và phê chuẩn; cùng các quy định, kết luận, chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị đã ban hành từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã tạo nên những dấu mốc mới trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lựa chọn đội ngũ cán bộ có tâm, có đức, tạo niềm tin vững chắc trong Nhân dân để phát triển đất nước.
Về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của cơ quan có thẩm quyền, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, tính đến ngày 07/4/2023, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời đối với 2.535/2.593 kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 Quốc hội khóa XV. Đến nay còn 61 kiến nghị chưa được trả lời, Ban Dân nguyện sẽ tiếp tục đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Để phục vụ cho việc xây dựng báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ 2, Ban Dân nguyện đã chỉ đạo Vụ Dân nguyện làm việc với Vụ chuyên môn của một số Bộ, ngành về một số hạn chế trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tham mưu cho Ban Dân nguyện xây dựng báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an, trong tháng 3/2023, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có chiều hướng tăng nhiều so với tháng 02/2023. Tình hình khiếu kiện tiếp tục diễn biến phức tạp, có 26 đoàn khiếu kiện đông người, vượt cấp lên Trung ương (tăng 16 lượt đoàn đông người so với tháng 02/2023). Hiện còn 47 công dân của 13 địa phương khiếu kiện kéo dài tại Hà Nội.
Đối với công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử đơn thư, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 306 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 299 vụ việc và có 09 lượt đoàn đông người (giảm 89 lượt người về 95 vụ việc và 07 lượt đoàn đông người so với tháng 02/2023). Qua tiếp công dân, đã chuyển 43 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản 07 vụ việc; đã giải thích, hướng dẫn, thuyết phục công dân chấp hành đúng quy định của pháp luật đối với 206 vụ việc.
Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp và giám sát các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương giải quyết dứt điểm đối với các vụ việc cụ thể đã được đề cập tại Báo cáo dân nguyện hằng tháng. Đồng thời đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các Bộ ngành và các địa phương đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian tới.
16h16: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gợi ý nội dung tập trung thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thời gian qua, cử tri và nhân dân quan tâm đồng tình ủng hộ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), quy định của Trung ương về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, vấn đề vận chuyển ma túy qua đường hàng không vào Việt Nam; người dân tiếp tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo qua thuê bao di động, các đường link; công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở; tình trạng cắt giảm lao động…
Về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, còn 61 kiến nghị chưa được trả lời, cần tiếp tục đôn đốc để báo cáo kết quả tại kỳ họp thứ 5.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, trên cơ sở các nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm, phản ánh cùng với các kiến nghị thể hiện trong Báo cáo của Ban Dân nguyện, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
16h21: Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu
Tham gia phát biểu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về trường hợp cá biệt liên quan đến việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, sắp tới, Ủy ban Xã hội sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng để rà soát hết các trường hợp bổ sung phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và có những điều chỉnh phù hợp trong quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này.
16h24: Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng phát biểu
Giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà UBTVQH đã nêu, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, trong kỳ báo cáo, Bộ Công an đã tiếp nhận 51 yêu cầu trả lời của cử tri liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công an. Bộ đã có văn bản xác minh, trả lời 51/51, đạt 100% trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công an.
Về báo cáo của Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH, Bộ Công an thống nhất với Ban Dân nguyện về việc cử tri phản ánh lo lắng về tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục cảy ra, việc ma tuý tổng hợp được vận chuyển vào Việt Nam qua tiếp viên hàng không, người dân nhận được các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo, xảy ra đời nợ thuê, tín dụng đen, liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn…
Về giải pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp sử dụng mạng viễn thông, mạng di động để lừa đảo, các trường hợp đòi nợ thuê núp bóng công ty luật, công ty mua bán nợ, khủng bố người vay tiền và người thân của họ, tác động lớn đến trật tự an toàn xã hội, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của cử tri, Bộ Công an đã báo cáo kịp thời với Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ ngành trung ương và địa phương thực hiện 7 nhóm giải pháp giúp phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả hơn với tội phạm lợi dụng trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê trái pháp luật. Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu rõ, hiện Bộ đã chỉ đạo lực lượng Công an phân tích rõ bản chất của các loại tội phạm này, nhất là tội phạm đòi nợ thuê trái pháp luật, làm rõ bản chất của hành vi này. Và Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị địa phương phá được nhiều vụ án, trong đó có 2 vụ án điển hình.
Có ý kiến cử tri cho rằng, một số nơi khi giao dịch dịch vụ công, giao dịch hành chính vẫn yêu cầu xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin về nơi cư trú. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, qua kiểm tra thấy rằng, thực trạng này một số nơi vẫn còn tuy không phải là phổ biến. Bộ Công an đã có văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo quyết liệt chấm dứt tình trạng này, đồng thời triển khai thông tin tuyên truyền để người dân thấy rõ quy định pháp luật hiện hành, giảm bớt phiền hà cho người dân.
Liên quan đến thực trạng cư trú, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng đề nghị các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền và quán triệt các cấp có chức năng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Đồng thời cũng đề nghị nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Bộ Công an sẽ tiếp thu và có nghiên cứu để có đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với từng điều kiện cụ thể.
16h39: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu
Đồng tình với báo cáo của Ban Dân nguyện, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần cập nhật con số chính xác về số lượt ý kiến nhân dân tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để đảm bảo thống nhất với số liệu của Bộ Tài nguyên, Môi trường đã trình Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Bên cạnh đó, chia sẻ những khó khăn của nhiều doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, du lịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho các cơ sở kinh doanh trang bị đầy đủ các thiết bị, đảm bảo yêu cầu phòng cháy chữa cháy để có thể tiếp tục đi vào hoạt động, vận hành sản xuất.
16h43: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu
Quan tâm đến thực trạng lao động mất việc làm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã bổ sung số liệu về vấn đề này. Theo đó, trong đó quý I năm 2023, cả nước có 294.000 lao động nghỉ, giãn; 149.000 lao động mất việc làm; tỷ lệ lao động nghỉ, giãn, mất việc làm có xu thế tăng ở các tỉnh phía nam. Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng đánh giá sâu hơn vấn đề này, bởi sức mua trên thị trường giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu tướng tăng.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, vấn đề lao động việc làm cần được giải quyết ngay, nếu kéo dài ảnh hưởng đến các vấn đề xã hội.
16h45: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung thảo luận
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung báo cáo của Ban Dân nguyện, báo cáo đã khái quát tổng hợp cơ bản về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng qua, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất xác đáng, thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phân tích rõ nguyên nhân, nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị, cử tri trong việc tiếp nhận, giải quyết khiếu nại tố cáo, để có biểu dương, điều chỉnh kịp thời, phù hợp hàng tháng. Đồng thời, báo cáo cần bổ sung nội dung về các vụ việc điển hình, thống nhất số liệu với các báo cáo của Chính phủ, bổ sung thêm số liệu người lao động mất việc làm, các doanh nghiệp giải thể, số lượng rút bảo hiểm một lần để có góc nhìn tổng quan, toàn diện về tình hình phát triển kinh tế- xã hội.
Các đại biểu cũng đã đề nghị cần có điều khoản chuyển tiếp cụ thể, đưa ra hướng dẫn rõ ràng đối với việc thi hành Luật Phòng cháy, chữa cháy để không làm đứt đoạn trong điều hành. Đồng thời, nhiều ý kiến kiến nghị Ủy ban Xã hội phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm giải quyết vấn đề xoay quanh việc phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện báo cáo; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp đầy đủ số liệu, chuẩn bị báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo để gửi đến Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; chủ động xây dựng kế hoạch để tích cực triển khai việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cao đạt hiệu quả cao trong thời gian tới.